Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tháng 5 tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%. Nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI tăng là giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%.Trong mức tăng 0,01% của CPI tháng 5/2023 so với tháng trước, có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 03 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Tám nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép, nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giáo dục, nhóm bưu chính viễn thông, nhóm giao thông.
Trong tháng 5/2023, lạm phát cơ bản tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung.
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019, năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.993,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau, Bắc Ninh tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,8%; Bình Dương tăng 13,8%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 10,6%; Quảng Ninh tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 8,7%; Hà Nội tăng 7,9%; Đà Nẵng tăng 6,2%; TP.HCM tăng 6,1%.
Còn doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 268,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như Đà Nẵng tăng 40,3%; Cần Thơ tăng 27,2%; Đồng Nai tăng 23,6%; TP.HCM tăng 23,4%; Quảng Ninh tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9%.
Đối với doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm trước do trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ. Doanh thu 5 tháng đầu năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như Đà Nẵng gấp 3,5 lần; Hải Phòng gấp 3,2 lần; Hà Nội gấp 3 lần; Bình Thuận tăng 75,2%; Khánh Hòa tăng 71,5%; TP.HCM tăng 43,5%; Cần Thơ tăng 32,6%; Quảng Ninh tăng 28,6%; Lâm Đồng tăng 18,7%.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 253,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể mức tăng, giảm 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như Bình Thuận tăng 59,5%; Đà Nẵng tăng 54,8%; Gia Lai tăng 29,6%; Ninh Thuận tăng 23,5%; Bắc Giang tăng 21,5%; Tiền Giang tăng 17,5%; Lâm Đồng tăng 12,5%; Quảng Ninh tăng 12,3%; Bình Định tăng 11,7%; Hà Nội tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8%; Hải Phòng tăng 4,4%; Quảng Nam giảm 1,1%; Quảng Bình giảm 3,8%; TP.HCM giảm 6,4%.