Tháng Tết, CPI cũng chỉ tăng 0,73%

Giá cả không đột biến dù nhu cầu dịp Tết tăng cao, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2017 tăng không quá cao, chỉ 0,73%. Tuy nhiên bình quân hai tháng, CPI tăng 2,9%.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 2/2018 tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,24% so với tháng 12 năm trước.

Nếu tính theo tháng, 0,73% là mức tăng cao nhất của CPI các tháng 2 trong vòng 5 năm trở lại đây. Tháng 2 năm ngoái, CPI tăng 0,23%; tháng 2/2016, tăng 0,42%, còn tháng 2/2015 thậm chí còn giảm 0,05%. Trong khi đó, mức tăng của tháng 2/2014 là 0,55%.

Trong khi đó, nếu tính bình quân, CPI hai tháng đầu năm 2018 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay muộn hơn năm trước, rơi vào thời điểm giữa tháng 2/2018 nên nhu cầu mua sắm hàng Tết của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và kéo dài đến 30 Tết tức ngày 15/2/2018. Và đó là lý do vì sao, CPI tháng này đã tăng 0,73%.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 2/2018, giá các mặt hàng lương thực tăng 1,44%, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, bên cạnh đó các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines.

Ngoài ra, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ Tết tăng cao. Giá thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống đã tăng từ 1-8%, đặc biệt mặt hàng thịt lợn do mức giá các tháng trước ở mức thấp nên có địa phương giá tăng trên 7%. Theo đó, nhóm thực phẩm tăng 1,71%, góp phần làm tăng CPI chung 0,39%.

Trong khi đó, giá xăng dầu mặc dù được điều chỉnh giảm vào ngày 21/2/2018, nhưng do còn ảnh hưởng của các đợt tăng giá ngày 4/1/2018 và ngày 19/1/2018 nên bình quân tháng 2/2018, giá xăng dầu tăng 1,15% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,05%.

Nhu cầu tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán tăng nên giá các mặt hàng về đồ uống, thuốc lá tăng từ 0,5% đến 1,5%. Giá điện sinh hoạt tăng cao, giá dịch vụ giao thông công cộng thậm chí tăng tới 3,34%, do một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách (trước Tết chiều từ Nam ra Bắc, từ thành phố về nông thôn và sau Tết là chiều ngược lại) từ 20-60% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách,... cũng đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI chung.

Sang tháng 3, CPI có thể sẽ tiếp tục tăng, do vẫn ảnh hưởng bởi tiêu dùng sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mức tăng được dự báo không quá cao, khiến lạm phát tiếp tục được kiềm chế tốt.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 2/2018 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ.

Trong tháng 2/2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ ở mức 1,32% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

baodautu.vn/thang-tet-cpi-cung-chi-tang-073-d77658 http://baodautu.vn/thang-tet-cpi-cung-chi-tang-073-d77658.html

Có thể bạn quan tâm