Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đăng tải thông tin thanh lý 20 chiếc xe hơi với tổng giá chào bán khởi điểm là hơn 6,2 tỷ đồng. Các mẫu xe được nhà băng này rao bán thanh lý đã có niên hạn sử dụng từ 10-16 năm gồm các thương hiệu Toyota, Hyundai và Mitsubishi.
Theo SCB, ngân hàng sẽ tổ chức bán thanh lý bằng hình thức chào giá kín (theo mẫu của SCB đính kèm) bỏ vào phong bì, dán kín niêm phong, và chọn cá nhân, tổ chức có giá chào mua cao nhất. Người mua sẽ thực hiện chào giá riêng cho từng xe và hội đồng thanh lý sẽ quyết định người mua dựa theo mức chào giá.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá thanh lý mà ngân hàng đưa ra đang quá đắt so với thực tế. Có thể lấy ví dụ, chiếc xe Toyota Camry đời 2003 được thanh lý với giá khởi điểm 332 triệu đồng. Chiếc Hyundai Sonata 2.0 đời 2009 giá 414 triệu đồng, hay Toyota Innova đời 2006 giá từ 294 triệu…
Trong khi đó, trên các chợ xe online, giá trị chiếc Camry, cùng năm sản xuất, với số km ít hơn, cũng chỉ được rao bán với giá 210 – 230 triệu đồng. Hay chiếc Inova đời 2007 cũng chỉ có giá 240 triệu đồng.
Không chỉ SCB, thời gian qua, các ngân hàng cũng rất tích cực trong việc rao bán các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, tính hiệu quả cho đến nay vẫn là chưa cao. Nhiều trường hợp tài sản đảm bảo được các ngân hàng giảm giá liên tục, thậm chí giảm đến lần 3, lần 4 nhưng vẫn chưa thu hồi được.
Gần đây nhất, Sacombank đã phải chào bán lần thứ 7 lô cổ phiếu của CTCP thương mại vàng bạc đá quý Phương Nam (mã: NJC) với mức giá khởi điểm là 107 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 132 tỷ đồng được đưa ra hồi đầu tháng 11, và đã giảm khoảng 60% so với những lần đấu giá đầu tiên.
Hay như BIDV vừa đăng thông báo chào bán khoản nợ của công ty TNHH liên doanh Lever lần thứ 5, tổng giá trị khoản nợ là hơn 19 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm là 12,6 tỷ đồng, giảm 3 tỷ so với một lần đấu giá trước đó.
Theo các chuyên gia, sở dĩ nhiều cuộc đấu giá khoản nợ xấu, đấu giá TSĐB của nợ xấu phải đấu giá 5-6 lần vẫn ế là do khâu định giá tài sản đấu giá chưa chính xác. Điều này sẽ làm kéo dài thời gian xử lý nợ, gây lãng phí và tốn kém cho ngân hàng.
Hiện, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam có điểm hạn chế là quá vướng quan điểm định giá khoản nợ, chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ theo thị trường. Việt Nam hiện nay cũng không có doanh nghiệp làm xếp hạng tín nhiệm nào và hầu hết phải đi thuê nước ngoài.