Theo đó, Sacombank muốn bán trọn lô 17,96 triệu cổ phần NJC với giá khởi điểm chào bán là hơn 132 tỷ đồng. Thời gian đăng ký và đặt cọc là từ ngày 11/11/2019 đến ngày 15/11/2019.
Đáng chú ý, so với những lần đấu giá đầu tiên, mức giá khởi điểm lần này đã giảm hơn một nửa. Lần gần nhất Sacombank rao bán lô cổ phiếu này là vào đầu tháng 11/2019 với mức giá chào bán gần 147 tỷ đồng.
NJC từng là công ty con của ngân hàng Phương Nam và là một trong những doanh nghiệp do gia đình ông Trầm Bê sở hữu. Ông Trầm Bê từng là Phó Chủ tịch HĐQT tại công ty này. Sau khi ngân hàng Phương Nam sáp nhập với Sacombank thì ngân hàng này đã nhận lại lượng lớn cổ phần tại NJC.
Theo BCTC của Sacombank, cuối tháng 6/2019, ngoài số lượng cổ phiếu lớn tại NJC, ngân hàng còn khoản phải thu đầu tư vào NJC 64,8 tỷ đồng, được ủy quyền cho một cá nhân đứng tên sở hữu và khoản phải thu của NJC hơn 503 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho các khoản phải thu này là hơn 51 triệu cổ phiếu của một tổ chức tín dụng, có mệnh giá là 510 tỷ đồng tại ngày 31/12/2018. Đến ngày 30/6/2019, Sacombank cho biết lượng cổ phiếu đảm bảo cho khoản phải thu trên có mệnh giá 681 tỷ đồng.
Được biết, Sacombank đã đề xuất bán khoản phải thu này cho VAMC theo đề án tái cơ cấu nhưng đến hết tháng 6/2019 vẫn chưa hoàn tất các thủ tục. Ngân hàng đang thực hiện trích lập dự phòng theo năng lực tài chính.
Được biết, trong nhiều năm từ 2011 – 2016, kết quả kinh doanh của NJC liên tiếp lao dốc, lỗ triền miên, trong khi đã từng mà một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành vàng bạc những năm 2008.
Theo BCTC, tổng tài sản của NJC đến cuối năm 2016 ở mức 1.015 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm 61% tổng tài sản với hơn 616 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn.
Trước khi ông Trầm Bê bị bắt, NJC cố gắng xoay sở để đưa mô hình về công ty TNHH nhưng không thành. Sau những khoản lỗ, NJC chuyển hướng đẩy mạnh sang kinh doanh vàng nữ trang song không thể cạnh tranh lại với các thương hiệu lớn như PNJ, DOJI,…