Thậm chí Bộ này còn “lờ” việc báo cáo về trách nhiệm quản lý mà Thanh tra Chính phủ đề cập rất rõ trong bản kết luận.
Theo Kết luận được công bố năm 2016, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính xử lý 4 nội dung liên quan đến phí vận tải, bảo hiểm đối với xăng dầu nhập khẩu; chế độ hạch toán việc bán xăng dầu theo hình thức “hợp đồng đại lý bao tiêu”; truy thu thuế với khoản tiền chậm nộp và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Sau 2 năm kể từ thời điểm kết luận được công bố, Thanh tra Chính phủ cho rằng các cơ quan đơn vị nêu trên đã thực hiện các đề nghị xử lý liên quan đến xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, chức năng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung kiến nghị chưa thực hiện xong; một số kiến nghị xử lý về kinh tế chưa dứt điểm.
Trong đó, Bộ Tài chính đã thực hiện 2 trong số 4 kiến nghị theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể Bộ Tài chính đã thực hiện yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng ban hành quy định về phương pháp xác định yếu tố chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm đối với xăng dầu nhập khẩu khi đã xác định giá cơ sở xăng dầu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng thực hiện xong kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của Thủ tướng liên quan đến nội dung truy thu thuế 319,5 tấn dầu diezel do Công ty Xăng dầu khu vực III bán tái xuất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Nomuara – Hải Phòng không đúng đối tượng.
Theo đó, Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Hải quan tiến hành rà soát và truy thu thuế đối với 319,5 tấn dầu kể trên. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng thu hồi số tiền gần 886 triệu đồng, gồm truy thu thuế gần 550 triệu đồng, số tiền chậm nộp hơn 281 triệu đồng và gần 55 triệu đồng tiền phạt. Số tiền này đã được nộp vào ngân sách nhà nước.
Liên quan đến yêu cầu xem xét, quy định chế độ hạch toán kế toán đối với việc bán xăng dầu theo hình thức “hợp đồng đại lý bao tiêu” để quản lý chặt chẽ, minh bạch giá bán và chi phí thù lao cho các tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu, theo báo cáo của Bộ Tài chính, Petrolimex khẳng định việc hạch toán theo quy định trong trường hợp này không gặp khó khăn, vướng mắc phát sinh. Các quy định hiện hành đã phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ cho rằng Petrolimex nói không gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện thế nhưng, tập đoàn này lại chưa xác định rõ các khoản thù lao theo hình thức hợp đồng đại lý bao tiêu được hưởng là chiết khấu thương mại hay hoa hồng đại lý.
Đối với yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng các đơn vị đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm để chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại theo kết luận thanh tra. Bộ Tài chính thấy các trường hợp này chưa phải thực hiện xem xét xử lý trách nhiệm về mặt hành chính hoặc các hình thức kỷ luật khác.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, kết luận đã nêu rõ những khuyết điểm vi phạm chủ yếu liên quan đến việc quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước của Petrolimex và Liên bộ, thế nhưng, Bộ Tài chính lại chưa báo cáo kết quả xem xét trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân thuộc Bộ Tài chính có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm đó. Trong khi, những khuyết điểm, tồn tại này đã nêu rất rõ tại Kết luận thanh tra.
Trong văn bản mới nhất gửi Chính phủ, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cần chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó có Bộ Tài chính cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm thực thi nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu đối với tô chức cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh vào những tồn tại, khuyết điẻm đã nêu tại Kết luận thanh tra để tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét.
Theo Dân Trí