Thêm 40 dự án BOT phải giảm 120 năm thu phí

Giai đoạn 2016 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 107 năm thu phí với 27 dự án khác...
Thêm 40 dự án BOT phải giảm 120 năm thu phí

Nằm trong báo cáo tổng hợp kết quả của 2017, kết quả kiểm toán việc quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ Giao thông vận tải vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội.

Báo cáo cho biết, từ năm 2002 đến nay, Bộ đã thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư , gồm 68 dự án BOT, 4 dự án BT; 1 dự án BOO và 2 dự án vừa BOT và BT với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 233.705,5 tỉ đồng.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2017) có 57 dự án hoàn thành đưa vào khai thác góp phần giải quyết tắc nghẽn, quá tải và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Đó là, Bộ này không gửi danh mục dự án đến các bộ, ngành và địa phương có liên quan để lấy ý kiến khi xây dựng và phê duyệt danh mục 66 dự án gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP. Có 49/75 dự án được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng lại có đến 45/49 dự án không thuộc danh mục 66 dự án được phê duyệt.

56/75 dự án với chiềm dài 2.535 km là nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường do ngân sách đầu tư từ trước và chỉ có 19 dự án đầu tư mới với chiều dài 526 km, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đầu tư mới 2.629km trong danh mục kêu gọi đầu tư được phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ còn bổ sung 15 hạng mục (ngoài nội dung, phạm vi đầu tư ban đầu) của 8 dự án trị giá 17.483 tỉ đồng khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và UBND tỉnh. 74/75 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong đó Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng chấp thuận chỉ định thầu 22 dự án ngoài quy định, lựa chọn một số Nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực như nhà đầu tư dự án quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, dự án quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, dự án tuyến tránh thành phố Thanh Hóa.

Qua kiểm toán chi tiết 40 dự án cho thấy nhiều sai phạm khác, như đưa vào trong phương án tài chính một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn với các khoản tiền lên đến nhiều nghìn tỉ đồng. Cụ thể, có 1 dự án tính chi phí trích lập quỹ dự phòng duy tu bảo dưỡng 608,6 tỉ đồng, 5 dự án tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công 1.421,7 tỉ đồng, 15 dự án không tính hoàn thuế giá trị gia tăng đối chi phí đầu tư 1.687,5 tỉ đồng, 9 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác 940,2 tỉ đồng) chưa phù hợp với ý kiến của Bộ Tài chính.

71/75 dự án đưa chi phí dự phòng 27.377,5 tỉ đồng vào phương án tài chính để tính thời gian thu phí hoàn vốn khi chưa xác định được nhiệm vụ chi và trong hợp đồng cũng không có điều khoản thỏa thuận liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí này khi phát sinh nhiệm vụ chi.

Việc lập phương án tài chính cũng còn nhiều thiếu sót. Năm 2015, khi điều chỉnh phương án tài chính tuyến Tây Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6 các bên xác định mức tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 trung bình 3,7%, thấp hơn thực tế 15,3%. Dự án cầu Yên Lệnh tính thuế thu nhập doanh nghiệp 6% cho toàn bộ thời gian thực hiện hợp đồng mà không xác định theo quy định (10% và được miễn trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo). Năm 2012 dự án cầu Yên Lệnh ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng đưa chi phí sửa chữa của năm 2012 vào năm 2005, dẫn đến phương án tài chính chưa chính xác.

Sai sót tiếp theo là tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn, dự án thấp nhất là 11%, dự án cao nhất là 13%. Với sai sót nhà đầu tư chưa huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính, báo cáo nêu tên các dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063 877 - Km1092 577, tỉnh Quảng Ngãi; dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987 560 - Km2014 000, tỉnh Tiền Giang; dự án đường cao tốc Hạ Long- Vân đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km2118 600 - Km2127 320,75 và xây dựng tuyến tránh thành phố Sóc Trăng của Quốc lộ 1, tỉnh Sóc Trăng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu Km 2169 056,65 - Km 2178 126,79 và xử lý một số vị trí ngập nước trên Quốc lộ 1, tỉnh Bạc Liêu; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thành phố Uông Bí - TP Hạ Long.

Về trạm thu phí, Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km và 6 trạm thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Việc triển khai thu phí tự động không dừng còn chậm, mới có 33/87 trạm thu phí tự động không dừng kết hợp với thu phí 1 dừng vào hoạt động. Ngoài ra còn 25/87 trạm thu phí chưa hoạt động, chưa có chủ trương thu phí tự động;

Vấn đề nghiệm thu, thanh toán được kết luận là còn sai sót; chất lượng thi công chưa đảm bảo...

Kiểm toán đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng. Năm 2016 trở về trước, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án, Tổng Kiểm toán cho biết.

Danh sách một số trạm thu phí được Kiểm toán nhà nước kết luận chưa phù hợp

1. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên (Km7 800 - Km29 784);

2. Dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Thanh Hóa và bổ sung hạng mục đường vành đai phía tây thành phố Thanh Hóa (giai đoạn 1) đoạn Km0-Km6;

3. Dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh;

4. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Km672 600 - Km704 900 tỉnh Quảng Bình;

5. Dự án Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước, Tứ Câu Vĩnh Điện;

6. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 Đoạn Km947 - Km987, tỉnh Quảng Nam;

7. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 các đoạn Km1525÷Km1551 400, Km1563÷Km1567 500, Km1573 350÷ Km1574 500, m1581 950÷ Km1584 550, Km1586÷Km1588 500, tỉnh Ninh Thuận;

8. Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị; Dự án tuyến Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai;

9. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km368 400 (Nghi Sơn) ÷ Km402 330 (Cầu Giát), tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An;

10. Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang;

11. Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang-Tp.Lạng Sơn đoạn km45 100-Km108 500, kết hợp tăng cường mặt đường Ql1 đoạn Km1 800-Km106 500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn…

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…