Thêm những thử nghiệm cho Fintech

Fintech đang làm thay đổi cách vận hành hệ thống tài chính trong nước. Sự bùng nổ còn tiếp diễn khi loại hình này có thêm cơ chế, chính sách để phát triển.
Thêm những thử nghiệm cho Fintech

Lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam phát triển khá nhanh, thu hút được nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cũng như nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý.

Theo thống kê, đến nay có khoảng 80 doanh nghiệp fintech hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực thanh toán, huy động và cho vay ngân hàng, tài trợ thương mại, blockchain,... trong đó phần lớn doanh nghiệp fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, chiếm khoảng 60%.

Việt Nam là quốc gia có số lượng các chương trình Incubator, Accelerator và các chương trình tương tự nhiều thứ hai trong khu vực, chỉ sau Singapore, với 90% khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt. Đặc biệt tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng chưa cao.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, sự xuất hiện của fintech đem lại hiệu ứng tích cực đối với người tiêu dùng và ngành dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các công ty fintech cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý trên thế giới trong việc vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo fintech trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo fintech phát triển trong tầm kiểm soát, không ảnh hưởng đến sự hoạt động ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính.

Theo báo cáo Fintech toàn cầu năm 2017 của PwC, 82% các tổ chức tài chính truyền thống mong muốn gia tăng sự hợp tác với các công ty fintech trong 3 - 5 năm tới. Việt Nam mới phát triển fintech ở giai đoạn đầu do hệ sinh thái chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý, ngân hàng và các công ty fintech), cũng như chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ. Trên thực tế, các quy định pháp lý hiện hành mới chỉ đáp ứng được cho lĩnh vực thanh toán, các lĩnh vực khác hiện chưa có khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ để điều chỉnh hoạt động.

Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó tổng Giám đốc EY Việt Nam cho biết, một mặt, số lượng liên kết giữa ngân hàng và fintech là chưa nhiều, dù các công ty fintech đang cố gắng tiếp cận các ngân hàng. Quy trình vận hành của nhiều ngân hàng vẫn được làm thủ công, tự số hóa hệ thống, chỉ một số ngân hàng hợp tác với các công ty fintech để số hóa hệ thống.

Nhưng mặt khác, hầu hết ngân hàng vẫn e ngại hợp tác với các fintech, nhất là những startup fintech, do nhân lực hầu hết là người trẻ, có sức sáng tạo nhưng hạn chế một số mặt trong kinh doanh, nhất là kinh nghiệm quản trị rủi ro.

Khảo sát toàn cảnh hệ thống ngân hàng năm 2018 của Ernst & Young (EY) cho thấy, năm 2018, đầu tư công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng, thay vì ưu tiên cho quản lý rủi ro, quản lý rủi ro danh tiếng, quản lý con người.

Ông Jan Bellens - Phó chủ tịch Toàn cầu Dịch vụ ngân hàng và thị trường vốn (EY) cho biết, có 59% ngân hàng được khảo sát dự báo ngân sách đầu tư vào công nghệ sẽ tăng hơn 10% vào năm 2018 nhằm tăng cường vị trí cạnh tranh.

Công nghệ đang phát triển với tốc độ cao và khó hình dung về sự phát triển của nó trong 3 hay 5 năm tới. Đặc biệt, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ đẩy nhanh hơn tốc độ tự động hóa của các ngân hàng và định chế tài chính.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng vừa diễn ra ở Hà Nội, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét để sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm, trong đó cho phép các công ty fintech thí điểm các sản phẩm, dịch vụ fintech dưới sự theo dõi, giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho kinh doanh, sáng tạo của các công ty fintech và hạn chế rủi ro có thể xảy ra cho khách hàng.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm

Giá iPhone 16 chính hãng hạ nhiệt

Giá iPhone 16 chính hãng hạ nhiệt

iPhone 16 chính hãng vừa được điều chỉnh giá bán, đây là cơ hội cho những ai muốn sở hữu chiếc điện thoại mới của nhà táo với mức giá hợp lý…

1C Việt Nam với nền tảng Low-Code mạnh mẽ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ERP thành công

Giải pháp ERP trên nền tảng công nghệ Low-Code của 1C Việt Nam

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn… Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng 5G đang mở ra một cuộc cách mạng mới trong việc kết nối và trải nghiệm Internet, mang đến tốc độ nhanh hơn và dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với 4G…