Thép Việt Nam xuất xứ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế trừng phạt

Bộ Thương mại Mỹ vừa tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo AFP, việc áp thuế trừng phạt lên thép Việt Nam xuất xứ Trung Quốc là một trong hàng loạt động thái thương mại cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ hàng hóa và thị trường Mỹ.  

Trong đa số trường hợp (lần này cũng không ngoại lệ), Trung Quốc là mục tiêu chính.

Thép từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi Washington đánh thuế chống phá giá lên sản phẩm Trung Quốc cách đây 2 năm. Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc lách thuế bằng cách cho hàng đi vòng qua Việt Nam.

Từ thời điểm đó, thép không gỉ từ Việt Nam vào Mỹ đã nhảy lên 80 triệu USD/năm từ mức chỉ 2 triệu USD/năm; thép cuộn lạnh tăng từ 9 triệu USD lên 215 triệu USD/năm - theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ.

Hồi tháng 11, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) cũng phát hiện thép Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam và gắn mác "Made in Vietnam" để tránh bị đánh thuế theo quy định của khối.

"Trở lại trường hợp Mỹ, thuế chống phá giá áp dụng với thép Việt Nam chỉ mới là biện pháp tạm thời dựa trên khiếu nại của 6 của nhà sản xuất thép Mỹ, Bộ Thương mại nước này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 2-2018.

Các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể làm đơn xin miễn trừ loại thuế này nếu có thể chứng minh nguyên liệu sản xuất không phải nguồn gốc Trung Quốc.

Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1, Washington đã leo thang cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, đánh thuế chống phá giá lên phôi nhôm, gỗ ép và nhiều hàng hóa Trung Quốc khác.

Tuần trước, Bắc Kinh phản ứng kịch liệt khi Mỹ mở cuộc điều tra chống phá giá đối với tấm hợp kim nhôm Trung Quốc, giá trị xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Tuy nhiên, mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc của ông Trump vẫn còn xa.

Số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cao kỷ lục trong tháng 10, đẩy mức thâm hụt lên 31,9 tỉ USD trong tháng.

Có thể bạn quan tâm