Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa có báo cáo thị trường chăm sóc sức khỏe và ngành dược Việt Nam và danh sách Top 10 công ty dược uy tín năm 2022.
Tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, Dự kiến tổng chi tiêu cho y tế sẽ đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR (2020-2030) là 7,6%.
Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.
Trong năm 2022, gần 90% số doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩmcho biết doanh thu tăng lên, gần 80% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành thuốc, hóa dược và dược liệu đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong quý I/2022, khởi sắc vào quý II với mức tăng trưởng 24,6% - gần đạt mức tăng trưởng so với cùng thời điểm năm 2020 khi đại dịch chưa bùng phát tại Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ số này đạt tăng trưởng 18,3%.
Các chuyên gia trong khảo sát nhận định, đại dịch COVID-19 đã tạo ra chuyển dịch nhanh hơn trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm theo nhiều cách khác nhau.
Dịch bệnh bùng phát đã khiến người dân hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, đồng thời họ cũng chuyển sang mua thuốc điều trị triệu chứng COVID-19 và thực phẩm bổ sung hồi phục sức khỏe giai đoạn hậu COVID-19 tại kênh nhà thuốc.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, top 4 thách thức ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bao gồm: Rủi ro từ chuỗi cung ứng, chi phí hậu cần gia tăng; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành; sự leo thang chi phí nguyên liệu thô; và sức ép từ tỷ giá gia tăng.