Thị trường hàng hóa ngày 10/5: Giá dầu, cao su và đồng bật tăng mạnh

Trong khi đó các mặt hàng như than, vàng, thép và chè lại mất giá, với riêng thép giảm ngày thứ 4 liên tiếp.

Dầu tăng 3% sau khi Mỹ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran

Giá dầu đã tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch vừa qua, lên mức cao nhất 3,5 năm, sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự đoán và Mỹ quyết định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Dầu Brent tăng 2,36 USD (3,2%) lên 77,21 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,08 USD (3%) lên 71,14 USD/thùng. Đối với các sản phẩm dầu, giá xăng Mỹ cũng vọt lên 2,1701 USD/gallon, cao nhất kể từ khi siêu bão Harvey đẩy giá tăng vọt vào tháng 8 năm ngoái; dầu sưởi Mỹ cũng tăng lên 2,2258 USD/gallon, cao nhất kể từ tháng 2/2015.

Bỏ qua mọi lời thuyết phục của các đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký từ năm 2015 mà còn tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt ở "mức cao nhất" đối với thành viên OPEC này, khiến các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ xung đột gia tăng thêm nữa ở Trung Đông và nguồn cung dầu sẽ thực sự khan hiếm. Nếu không có một thỏa thuận thay thế khác, chắc chắn Mỹ sẽ tiến hành tái áp lệnh trừng phạt đối với Iran sau 180 ngày kể từ 9/5/2018.

Trong khi thị trường dầu vốn đang căng thẳng bởi vấn đề Iran thì Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô nước này đã giảm 2,2 triệu thùng trong tuần qua, cao hơn nhiều so với dự đoán là chỉ giảm 719.000 thùng, tin này càng đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa. Cũng theo EIA, nhập khẩu dầu thô ròng vào Mỹ trong tuần qua giảm 955.000 thùng/ngày xuống 5,4 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2.

Các nhà phân tích nhận định, việc Mỹ tái trừng phạt Iran có thể khiến cung dầu thô Iran giảm khoảng 200.000 đến 1 triệu thùng/ngày. Các bộ trưởng Saudi Arabia và Kuwait vừa thông báo sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác của OPEC và các nước ngoài OPEC bù lấp vào chỗ giảm cung dầu thô từ Iran để làm giảm bớt tác động của việc thiếu cung dầu sau khi Mỹ rút lui khỏi thỏa thuậnhạt nhân.

Vàng giảm do USD mạnh

Giá vàng giảm vì giới đầu tư giảm nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng càng làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.312,89 USD/ounce, trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất 1 tuần là 1.304,11 USD; trong khi vàng giao tháng 6 giảm 70 US cent (0,05%) xuống 1.313 USD/ounce.

Vàng thường tăng giá trong những giai đoạn có biến động chính trị, song kim loại này có mối liên quan chặt chẽ với những tài sản cũng được xem là "an toàn" khác như USD và yen Nhật, mà chỉ số dollar index đã tăng lên mức cao nhất trong năm nay. Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Thomson Reuters cảnh báo, giá vàng giao ngay có thể quay trở lại mức thấp như hôm 1/5 là 1.301,50 USD/ounce nếu lần thứ 3 không phá vỡ được ngưỡng kháng cự 1.317 USD/ounce.

Tuy nhiên, giá dầu cao nhất 4 năm có thể khiến lạm phát gia tăng, và điều đó nếu xảy ra sẽ hậu thuẫn giá vàng tăng.

Đồng tăng do dự đoán nhu cầu mạnh

Giá đồng tăng do dự đoán nhu cầu sẽ mạnh trong quý này. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã kiềm chế xu hướng tăng. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London – tham chiếu cho toàn thị trường đồng – tăng 1% lên 6.810 USD/tấn; phiên trước đó giá đã giảm 1%. Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Thomson Reuters cho biết nếu phá vỡ ngưỡng kháng cự 6.833 USD/tấn tghif giá đồng có thể tăng lên 6.869 USD/tấn.

Dự trữ đồng tại các kho ở sàn giao dịch kim loại London đã giảm 9.600 tấn xuống 293.025 tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1. Trong khi đó, sản lượng đồng của Chile quý 1/2018 đã tăng 18,9% so với cùng quý năm trước do Escondida – mỏ đồng lớn nhất thế giới – nâng gấp 3 sản lượng lên 322.700 tấn để khôi phục sản xuất sau những đợt công nhân đình công kéo dài hồi năm ngoái.

Thép giảm phiên thứ 4 do cung tăng

Giá thép cây (dùng trong xây dựng) tại Trung Quốc giảm phiên thứ 4 liên tiếp do nguồn cung tăng. Phiên vừa qua, thép cây giao kỳ hạn giao sau tại Thượng Hải giảm 2,2% xuống 3.571 NDT (559,9 USD)/tấn, đầu phiên có lúc giá giảm 2,4% xuống mức thấp nhất gần 2 tuần. Hợp đồng giao ngay phiên trước đó đã giảm 1% xuống 4.309,35 NDT/tấn. Sản lương thép thô của các công ty thép hàng đầu Trung Quốc trong 10 ngày giữa tháng 4 đã tăng 1,87% so với cùng kỳ tháng trước, với sản lượng trung bình ngày đạt 1,91 triệu tấn, cao nhất kể từ 2009.

Than quay đầu giảm

Giá than cốc trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) quay đầu giảm sau khi đạt mức cao nhất 2 tháng ở phiên trước đó, có lúc giảm 2,7% xuống 1.937 NDT/tấn, và kết thúc phiên ở 1.985 NDT/tấn. Than luyện cốc cũng giảm 1,7% xuống 1.228,5 NDT/tấn.

Tuy nhiên, Hiệp hội Than Thế giới (WCA) nhận định giá than năm nay sẽ duy trì ở mức tốt bởi nhu cầu của Trung Quốc ổn định và tăng ở Ấn Độ. Ấn Độ dự báo sẽ tăng nhập khẩu than do nhu cầu mạnh lên từ lĩnh vực phát điện và sản lượng trong nước ít hơn dự kiến. Chính phủ Indonesia năm 2018 cũng hạn chế sản xuất than ở mức tối đa 485 triệu tấn, trong đó 25% sẽ được tiêu thụ nội địa.

Cao su vững

Giá cao su trên sàn Tokyo – tham chiếu cho toàn thị trường châu Á – vững trong phiên vừa qua trong bối cảnh chịu tác động từ 2 thông tin tác động trái chiều: yen yếu đi và cao su Thượng Hải giảm giá. Kết thúc phiên giao dịch, giá hợp đồng giao tháng 10 tại Tokyo không đổi ở mức 191,7 JPY (1,75 USD)/kg, phiên trước đó giá có lúc chạm mức cao nhất 1,5 tháng là 195 JPY; cao su hợp đồng giao tháng 9 tại Thượng Hải giảm 135 NDT xuống 11.605 NDT (1.820 USD)/tấn. Đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất 6 ngày so với USD do dầu mỏ và trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chè duy trì thấp do cung nhiều

Giá chè trên thị trường thế giới thấp suốt 2 tháng qua do nguồn cung dồi dào. Trong phiên đấu giá mới nhất tại Mombasa (Kenya), mỗi kg chè chỉ có giá 247 shilling, thấp nhất trong năm nay và giảm gần 10% so với tháng 1/2018. Trong khi đó tại Bangladesh, giá chè phiên mới đây nhất cũng duy trì thấp vì nguồn cung tăng, mặc dù nhu cầu mạnh lên đối với chè chất lượng cao. Chè lá Bangladesh hiện giá trung bình 213,09 taka (2,6 USD)/kg, so với 213,02 taka của phiên trước. Ở phiên trước đó, giá chè Bangladesh đã giảm 2,7%.

Sản lượng chè Kenya trong tháng 2 đạt 27,93 triệu kg, so với 22,60 triệu kg cùng kỳ năm trước. Sản lượng chè Ấn Độ trong tài khóa 2011-18 đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 1.325,05 triệu kg, tăng 74,56 triệu kg so với tài khóa 2016-17. Xuất khẩu chè trong tài khóa 2017-18 đạt 256,57 triệu kg, đem về 785,92 triệu USD (tăng 12,7% về khối lượng và 13,87% về trị giá so với tài khóa trước).

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 8h sáng

Theo Trí thức trẻ 

Có thể bạn quan tâm