Dưới đây là một trong những chia sẻ, nhận định của ông đối với sự phát triển của "ngành công nghiệp không khói" trước bối cảnh nhiều quy định đưa ra do dịch Covid-19 hiện đã được tạm thời gỡ bỏ.
Hiện nay do công tác phòng dịch Covid-19 của Việt Nam đang thuộc loại tốt nhất thế giới với liên tiếp hơn 20 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Thêm nữa là áp lực phải khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đã bị kiệt quệ sau dịch. Đặc biệt các hãng hàng không của Việt Nam đã bị thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng và đứng trước nguy cơ của sự sống còn. Thế nên tôi hoàn toàn ủng hộ việc gỡ bỏ quy định giãn cách trên hàng không và các phương tiện vận tải công cộng nhưng vẫn thực hiện các quy định về phòng dịch Covid-19 khi chiều ngày 6/5/2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ra công văn hỏa tốc về việc này và áp dụng từ 0h ngày 7/5/2020.
Du lịch và hàng không được ví như hai cánh của một con chim. Vậy nên nếu một cánh vẫn bị trói buộc thì cánh kia cũng không thể bay cao được. Khi được gỡ bỏ các quy định về giãn cách và hạn chế chuyến bay và tỉ lệ khai thác tối đa 80% - đồng nghĩa các hãng hàng không sẽ có điều kiện tung ra số ghế nhiều hơn và đỡ tốn kém chi phí hơn. Vì vậy, các hãng hàng không sẽ đua nhau đưa ra các chương trình khuyến mại kích cầu lớn nhằm hâm nóng lại thị trường và kiếm doanh thu nhằm cải thiện dòng tiền vốn đã cạn kiệt trong thời gian qua.
“Cứu cánh” duy nhất
Du lịch nội địa hiện đang là “cứu cánh” duy nhất cho các hãng hàng không Việt và các công ty du lịch khi du lịch outbound và inbound còn rất lâu mới hồi phục (theo tôi thì du lịch outbound và inbound sẽ mất ít nhất 3 tháng mới bắt đầu đi lại kể từ khi thế giới hết dịch). Ngay cả du lịch nội địa cũng khó bật ngay lên được bởi hiện tại khi hết cách li, trẻ con sẽ đi học trở lại và kỳ nghỉ hè sẽ rút lại rất ngắn chỉ đôi ba tuần. Chưa kể dịch Covid-19 đang làm suy thoái kinh tế và du lịch được coi là không thiết yếu sẽ dễ bị các gia đình, cơ quan “cắt” để cắt giảm chi phí. Vậy nên ai nói du lịch là ngành ảnh hưởng đầu tiên nhưng cũng là ngành phục hồi đầu tiên theo mô hình chữ “V” là không đúng. Theo tôi, du lịch sẽ phục hồi theo hình zích zắc theo tình hình dịch.
Nếu cứ giữ nguyên yên ổn thế này ngành du lịch sẽ dần hồi phục nhưng nếu xuất hiện một ca như bệnh nhân số 17 thì du lịch và hàng không lại tiếp tục “rơi theo phương thẳng đứng”. Chẳng phải trước cái đêm kinh hoàng 6/3, ngành du lịch và các công ty du lịch chẳng hồ hởi phát động các kiểu kích cầu du lịch?
Cần có biện pháp kích cầu, “giải cứu” du lịch Việt
Trong nguy có cơ. Trước người Việt Nam thường hay đi du lịch nước ngoài nhưng hiện đang là thời gian vàng để phát động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; cần thực hiện các biện pháp “kích cầu giải cứu du lịch Việt Nam” trong đó có sự kết hợp đồng bộ của các bên: hàng không, khách sạn, phương tiện vận chuyển du lịch, công ty du lịch, điểm đến và chính sách hỗ trợ. Trong đó tất cả các bên cùng cam kết giảm giá để kích cầu. Kiến nghị các điểm đến du lịch ở các tỉnh thành cũng xem xét miễn giảm vé phí tham quan như các mức phí ở Hạ Long hiện đang ở mức khá cao cho loại hình tour trong ngày và tour ngủ vịnh trên tàu.
Thực hiện các biện pháp an toàn về phòng dịch Covid-19 theo quy định của chính phủ nhưng không nên có những hình thức cực đoan quá mức theo địa phương. Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, nên có tuyên truyền xã hội tích cực cho du lịch nội địa để kích cầu giải cứu du lịch. Các thông tin về các hoạt động bình thường trở lại của các khu du lịch, các điểm thăm quan, các khách sạn resort…cần được thông tin rộng rãi để khách du lịch và công ty du lịch nắm được, tránh tình trạng khách mất công đi cả trăm km từ Tp Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu mới biết tin không được xuống biển.
Chính phủ cũng cần quan tâm để các chính sách hỗ trợ được triển khai trong thực tế cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực du lịch đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch. Danh sách các kiến nghị cũng đã được bộ VH TT DL và Hiệp hội du lịch, cộng đồng du lịch tại Việt Nam đề xuất lên chính phủ xem xét.
Tôi cũng kiến nghị các địa phương và ngành du lịch nên tranh thủ thời gian vắng khách này để cùng phát động phong trào làm sạch môi trường du lịch, làm sạch những bãi biển, sông suối, núi rừng tại các điểm đến du lịch. Đồng thời cần phát động phong trào “Văn minh du lịch” nhằm tuyên truyền những bộ quy tắc ứng xử cho cả các công ty du lịch, cơ sở du lịch và khách du lịch.
Ngay từ thời điểm này, Việt Nam cũng cần có sẵn kế hoạch để xúc tiến lại các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Thông điệp “Việt Nam an toàn” cần được truyền thông tới các nước sẽ phản ánh thực tế Việt Nam đang chống dịch Covid 19 thuộc loại tốt nhất thế giới và sẽ là điểm đến an toàn của các khách du lịch trên toàn thế giới. Với việc Việt Nam sớm chống chế được dịch sẽ là cơ hội để du lịch Việt Nam sớm phục hồi hơn các đối thủ trong khu vực và trên thế giới. Các nước đang chống chế tốt dịch cũng sẽ là những nước có khách quốc tế quay lại Việt Nam đầu tiên. Theo tình hình hiện nay thì dự đoán vẫn là những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Úc, New Zealand…Các thị trường Âu, Mỹ đang có diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp nên sẽ là những thị trường khách hồi phục sau.
Du lịch theo kiểu Free & Easy và cơ hội cho DN chuyển đổi số
Trong trạng thái bình thường mới thì cách đi du lịch của khách hàng cũng sẽ đổi mới. Thay vì người ta đi theo tour trọn gói, đi theo đoàn đông cho vui thì nay người ta sẽ đi theo kiểu Free & Easy, tức đi du lịch tự do, đi theo các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè thân. Các phương tiện cá nhân ô tô gia đình cũng được ưa chuộng để tự đi du lịch do tâm lý ngại phương tiện công cộng. Vậy nên các khu du lịch, resort trong bán kính tầm 250km đổ lại sẽ được lựa chọn nhiều hơn.
Giao dịch online sẽ lên ngôi sau dịch Covid-19 đồng nghĩa khách có thể ngồi nhà và đặt các dịch vụ vé máy bay, khách sạn…mà không cần nhờ tới công ty du lịch. Như vậy, kể cả khi khách đã đi du lịch trở lại, các bãi biển, khu du lịch trông có vẻ đông thì du lịch và lữ hành vẫn tiếp tục đói, ngủ đông và tiếp tục hành nghề tay trái để có thêm thu nhập. Chưa kể gần 2.700 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trước chuyên làm outbound, inbound với lợi nhuận béo bở, giờ đều chuyển đổi sang giành giật cạnh tranh nhau ít khách nội địa thì liệu có sống tốt?
Tuy nhiên, các công ty du lịch có chuyển đổi số tốt, nhanh nhạy đưa ra được các gói sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu mới của khách sau dịch với mức giá tốt và dịch vụ chuyên nghiệp thì vẫn có đất sống. Đành rằng khách hàng giờ có thể book online đặt vé và khách sạn trực tiếp nhưng thực tế để săn được vé máy bay rẻ thì cũng phải có nghề và khá tốn thời gian. Phải biết quy luật khi nào hãng máy bay ra giá rẻ, phải có thông tin ngầm biết được khi nào hãng sắp bung ra khuyến mại. Phải có kỹ năng để chộp chỗ giá vé khuyến mại thật nhanh và có ngay tài khoản tín dụng để thanh toán. Chưa kể đặt được vé máy bay thì lại chưa đặt được khách sạn ưng ý hoặc ngược lại. Hoặc có khi đặt chỗ mà không để ý điều kiện để không đi được đúng kế hoạch thì có mà “vứt vé”. Phải biết khách sạn nào tốt thật chứ đừng ảnh ảo trên web hoặc review tốt do được “kỹ xảo”.
Covid đã và đang gây cú sốc mạnh tới hàng không và du lịch trên toàn thế giới. Với chiến thắng ban đầu của Việt Nam trước dịch Covid-19, tôi tin là du lịch Việt Nam dù còn nhiều khó khăn trong thời gian trước mắt nhưng cũng sẽ kiên cường, nhanh nhạy, nỗ lực hết sức để vượt bão thành công.