Thị trường thép: Khó khăn chồng khó khăn

Trong nhiều tháng qua, giá thép được ghi nhận liên tục giảm nhưng vẫn không khiến mức tiêu thụ khởi sắc và thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều tín hiệu cho thấy sự phục hồi của ngành này…

Xu hướng nhập khẩu thép đang tăng trở lại khiến ngành thép trong nước đứng trước khó khăn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ cắt giảm sản xuất, giảm nhân sự.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 5 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 4,6 triệu tấn thép với trị giá khoảng 3,93 tỷ USD. Con số này đưa nhập siêu ngành thép đạt 220.000 tấn với thâm hụt thương mại là 480 triệu USD.

Thép ngoại ồ ạt tràn vào với mức thuế 0% 

Thời điểm hiện tại, thép Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng rất mạnh, theo VSA đạt hơn 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng thép từ Trung Quốc nhập khẩu vào đã tăng gấp 3 lần so với lượng thép nhập khẩu vào giai đoạn tháng 7, tháng 8/2022. 

Việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép là một áp lực lớn đối với ngành thép trong nước. VSA cho rằng ngành thép tác động tới nhiều ngành kinh tế khác nhau, việc tiêu thụ trong nước lao dốc, xuất khẩu khó khăn nhưng sản phẩm nhập khẩu lại tăng sẽ khiến các doanh nghiệp ngành thép lao đao. 

ngành thép

Thực tế, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 13 đợt giảm liên tiếp thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), riêng chỉ từ tháng 4/2023 đến nay, giá thép đã giảm 3 triệu đồng/tấn, từ mức 17 triệu đồng/tấn xuống chỉ còn quanh 14 triệu đồng/tấn. 

Bảng giá tại SteelOnline.vn, hiện thép CB240 đang quanh mức giá 13,74 đến 14,48 triệu đồng/tấn; bên cạnh đó thép D10 CB300 có mức giá khoảng 14,06 đến 15,1 triệu đồng/tấn.

VSA còn cho hay, bởi nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục và giá bán bị điều chỉnh giảm dần. Ngoài ra, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, các dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều.

"Hiện tại là tình hình khó khăn chung của toàn ngành thép khi giá liên tục giảm từ đầu quý 2/2023 cho tới nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất", VSA nêu quan điểm.

Cũng do nguyên nhân giá giảm, một số công ty thép phải sản xuất cầm chừng. Riêng trong tháng 6/2023, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 738.196 tấn, giảm 9% so với tháng trước và giảm 20% so với tháng 6/2022. Lượng bán hàng của ngành đạt 874.441 tấn giảm 6% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu thép xây dựng đạt 149.623 tấn, giảm 21,5%.

giá thép

Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sản xuất giảm 25,5% so với cùng kỳ 2022, chỉ đạt vỏn vẹn gần 5 triệu tấn. Lượng tiêu thụ đạt gần 5,1 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 831.000 tấn, giảm 38%.

Lý do thép ngoại được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam được VSA lý giải, tại Việt Nam, hiện gần như các sản phẩm thép nhập khẩu đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Không chỉ vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị gỡ bỏ, các sản phẩm thép không phải chịu bất cứ một biện pháp phòng vệ thương mại nào như: tôn mạ, tôn màu, thép dự ứng lực hay ống thép,...

Hơn nữa, các sản phẩm thép không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa bởi các sản phẩm này không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công Thương

Vì vậy, có thể nói việc nhập khẩu thép vào Việt Nam dễ dàng khi không có quy trình kiểm tra chất lượng như các quốc gia khác. Điều này dẫn tới thép nhập khẩu rất đa dạng về chủng loại, chất lượng, cũng như chưa có sự kiểm soát về chất lượng và chủng loại. 

Liệu sẽ khởi sắc vào cuối năm? 

Trong vài tháng trở lại đây, tốc độ sản xuất thép thô của các nhà máy trong nước đang chững lại, dù cao hơn mức đáy được ghi nhận vào tháng 10, 11/2022 nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã đưa ra nhận định lượng xuất khẩu thép thô trong nửa đầu năm 2023 đã tăng đáng kể, điều này phần nào đã cho thấy tín hiệu về tốc độ hồi phục trong hoạt động xây dựng và sản xuất trong nước.

VDSC cho rằng một điểm sáng hiếm hoi của ngành thép trong nước đó chính là nhóm xuất khẩu thép HRC. Nhóm xuất khẩu thép này đã đạt kỷ lục hơn 390.000 tấn vào hồi tháng 5/2023, con số này cho thấy khả năng cạnh tranh của nhóm các nhà máy thép thượng nguồn trên thị trường quốc tế. 

"Đây là một tin tích cực khi ngành sản xuất trong nước có thể cạnh tranh ở tầm quốc tế. Đồng thời các nhà máy sản xuất thép còn tiêu thụ được hàng trong bối cảnh nhu cầu trong nước ảm đạm và có nguồn thu ngoại tệ để cân bằng ảnh hưởng của tỷ giá", VDSC nhận định. 

ngành thép

Nhưng ở một mặt khác, tín hiệu hiếm hoi về xuất khẩu HRC đang phơi bày tình trạng khá tiêu cực trong nước khi nhu cầu HRC của các nhà máy tôn mạ, ống thép đang rất yếu. Thêm vào đó, việc giá HRC đang trên đà giảm (hiện giảm 16% kể từ đầu quý 2/2023) không phải là môi trường thuận lợi để cải thiện biên lợi nhuận.

Về vấn đề giá thép trong thời gian tới, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng giá thép vẫn chịu áp lực điều chỉnh, diễn biến giá trong thời gian tới phụ thuộc vào mức độ phục hồi từ nhu cầu thị trường. 

Nhận định về nhu cầu thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect lưu ý nhu cầu tiêu thụ thép vẫn sẽ yếu trong suốt năm nay. Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ được VNDirect dự báo khả năng vẫn tiếp tục đà giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn rất phải nỗ lực mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh của cả năm. 

Trước tình hình diễn biến xấu của thị trường thép, vào hồi tháng 6, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra kiến nghị với Bộ Tài Chính. Cụ thể, kiến nghị điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%. Ngoài ra, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất. 

Bên cạnh đó, VSA cũng kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đạt 95 đến 100% kế hoạch năm, khơi thông dòng vốn cho bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở, đơn giản thủ tục gói 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm