Hiện, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến hết tháng 6 năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2020, có đến 130 doanh nghiệp thực hiện chào bán trái phiếu, huy động tổng cộng 156.327 tỷ đồng thông qua 818 đợt phát hành (tăng khoảng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019).
Theo các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, mặc dù đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhưng với mức tăng trưởng như vậy cho thấy dấu hiệu của sự phát triển "nóng".
Ngoài các nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp (là những nhà đầu tư có khả năng phân tích và chấp nhận rủi ro khi đầu tư trái phiếu), sự gia tăng đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân (bao gồm cả những nhà đầu tư không có năng lực phân tích, đánh giá mà chỉ quan tâm đến lãi suất) sẽ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và tính ổn định của thị trường.
Không những vậy, trên thị trường TPDN riêng lẻ cũng đã xuất hiện những méo mó khi có hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
Do đó, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 10/7/2020 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 (2018) đối với trường hợp phát hành TPDN riêng lẻ theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn nhằm lành mạnh hóa, kiểm soát rủi ro thị trường.
Theo đánh giá của nhóm chuyên gia này, Nghị định 81 điều chỉnh các điều kiện phát hành TPDN theo hướng chặt chẽ hơn. Việc phát hành TPDN sẽ phải thực hiện tốt yêu cầu về minh bạch thông tin. Doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch phát hành về cả quy mô và thời gian. Chi phí phát hành cũng có thể gia tăng do đòi hỏi từ thuê tư vấn phát hành...
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng bước điều chỉnh này là cần thiết để đảm bảo thị trường TPDN hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh hơn. Đây cũng là bước đệm quan trọng để hướng đến mục tiêu từng bước tách bạch giữa 2 hoạt động phát hành ra công chúng và hoạt động phát hành riêng lẻ chỉ hướng đến đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trước những quy định chặt chẽ của Nghị định 81 nhận định về thị trường trái phiếu trước thềm có hiệu lực, VDSC cho rằng
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp số lượng trái phiếu phát hành tăng đến hơn 30% cho thấy sự hấp dẫn từ việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá đơn sơ khi chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín. Điều này đã khiến cho Bộ Tài Chính nhiều lần đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia vào thị trường này khi mà khối nhà đầu tư cá nhân nắm tới hơn 27% tổng khối lượng phát hành của 6 tháng đầu năm so với chỉ 9% khối lượng cả năm 2019, theo Bộ Tài Chính.
Ngoài ra, 28 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khối lượng vượt ba lần vốn chủ sở hữu, trong đó 11 doanh nghiệp vượt 50 lần vốn chủ sở hữu.
VDSC nhấn mạnh, điểm mấu chốt của Nghị định là khiến cho biệc phát hành sau tháng 9 bị ảnh hưởng nặng. Trong suốt hai năm qua, rất nhiều doanh nghiệp chia nhỏ đợt phát hành để vừa dễ cho các nhà đầu tư tham gia vừa tuân thủ quy định giao dịch dưới 100 nhà đầu tư, thì với việc quy định mới có hiệu lực các doanh nghiệp sẽ buộc phải phát hành lô lớn.
Khi đó, tổ chức phát hành có thể gặp khó khăn hơn để tìm kiếm những nhà đầu tư lớn. Do đó, sẽ không quá bất ngờ nếu khối lượng phát hành tăng mạnh từ nay tới trước khi Nghị định có hiệu lực.