Thị trường Trung Á đang rất thiếu và ưa chuộng hàng tiêu dùng Việt Nam

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD - HBA nhấn mạnh như vậy trước thềm chuyến xúc tiến thương mại tại hai nước Kazakhstan và Kyrgyzstan của đoàn công tác VACOD, HBA, bên cạnh chuyến thăm Trung Á của Đoàn Quốc hội Việt Nam...

_DAT6371.JPG
TS. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA.

Chương trình Bữa sáng Doanh nhân diễn ra ngày 16/9 do TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì diễn ra trong không khí đầm ấm nhưng cũng sôi động, khẩn trương bởi VACOD, HBA đã khởi động hàng loạt chương trình, sự kiện bận rộn cho đến cuối năm 2023.

Tham dự chương trình có ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng; ông Vũ Trọng Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các đại biểu và hội viên của hai Hiệp hội; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên...

KHÔNG THÍCH ỨNG VÀ THAY ĐỔI - CÁI CHẾT ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác toàn diện giữa hai Hiệp hội VACOD, HBA và Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, Trưởng Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ với các doanh nhân về chuyên đề Hành vi trải nghiệm khách hàng trong thời đại số. TS. Hoàng Thị Bảo Thoa nhập đề bằng 2 minh chứng hùng hồn về sự sụp đổ của hai gã khổng lồ một thời là hãng sản xuất phim chụp ảnh Kodak và ông lớn điện thoại Nokia lẫy lừng một thời đã đi vào lịch sử như những kẻ thất bại, chỉ vì chậm thích ứng và không chịu thay đổi trong khi có trong tay mọi nguồn lực do quá tự tin rằng mình “quá lớn để không sụp đổ”.

Theo bà Thoa, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự thay đổi quá nhanh chóng của hành vi khách hàng, doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với vô số nguy cơ, thách thức. Thống kê cho thấy bình quân một tháng trong quý 1/2023 có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tương đương 670 doanh nghiệp/ngày rút lui khỏi thị trường. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

_DAT6431.JPG
TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, Trưởng Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Hoạt động marketing của các doanh nghiệp cũng buộc phải thay đổi để bắt kịp với sự thay đổi của hành vi khách hàng. Đã đến lúc chúng ta tư duy lại về khách hàng, tư duy lại về giá trị và tư duy lại về sản phẩm”, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa nhấn mạnh trong buổi thuyết trình. Trưởng Bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế đặc biệt lưu ý, trước đây khách hàng là một mạng lưới thụ động, chỉ tiếp nhận thông điệp từ các công ty truyền thông. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng đã trở thành một mạng lưới năng động, có mặt ở khắp mọi nơi trên mọi nền tảng số từ Facebook đến Zalo, Tiktok… và điều quan trọng là họ tương tác với nhau.

“Khách hàng không đơn thuần nhận thông tin một chiều từ doanh nghiệp tuyên truyền về sản phẩm của mình là chất lượng cao, giá rẻ… Mà họ nghe từng trải nghiệm, đánh giá của những người khách hàng đã từng mua sản phẩm”, bà Thoa nói.

Bà Thoa cũng thẳng thắn nhìn nhận tuyệt đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu thấu đáo về tầm quan trọng của chuyển đổi số và tầm quan trọng của việc áp dụng nó trong sản xuất, kinh doanh cho nên tính hình thức vẫn rất lớn. TS. Hoàng Thị Bảo Thoa đặt câu hỏi: Tại sao rất nhiều khách hàng trở thành người truyền thông cho doanh nghiệp của mình? 5 hành vi quan trọng của khách hàng là gì? Họ yêu cầu sự tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng, sẵn có, mọi lúc, mọi nơi. Đây là lý do tại sao rất nhiều doanh nghiệp chuyển sang truyền thông đa kênh.

Ảnh màn hình 2023-09-17 lúc 16.08.16.png
TS. Hoàng Thị Bảo Thoa nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta tư duy lại về khách hàng, tư duy lại về giá trị và tư duy lại về sản phẩm.

Trong đó, tùy biến thì là cái thành tố rất là quan trọng, làm cho sản phẩm của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của khách hàng có thể là một yếu tố quan trọng và các doanh nghiệp bên ngoài họ đang làm rất tốt.

TS. Hoàng Thị Bảo Thoa mong muốn hai hiệp hội VACOD, HBA thường xuyên tổ chức các sự kiện hơn để Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển giao công cụ về hành vi trải nghiệm khách hàng trong thời đại số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. “Tôi mong muốn có thể tạo ra thêm nhiều sản phẩm "Make in Vietnam". Dù sản phẩm đó chưa đạt đến giá trị toàn cầu, nhưng ít nhất cũng phải cải thiện được trải nghiệm của khách hàng”, bà Thoa bày tỏ.

Đồng quan điểm với TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên chia sẻ, để thành công trong thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các doanh nghiệp cần tạo ra được giá trị khác biệt và là những người tiên phong. Đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể thu hút được khách hàng và chiếm được thị phần.

_DAT6505.JPG
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên.

Dựa trên kinh nghiệm một số lần trực tiếp sang khảo sát thị trường Mỹ, bà Hà khẳng định lắng nghe ý kiến của khách hàng là một cách hiệu quả để doanh nghiệp hiểu được nhu cầu của họ và cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình ngày càng tốt hơn. Bởi vì nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi, doanh nghiệp cần luôn cập nhật những thay đổi đó để có thể đáp ứng được nhu cầu của họ.

TS. Dương Thu, Nhà sáng lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển lãnh đạo chiến lược cũng đồng quan điểm rằng trong thời điểm hiện nay, trải nghiệm khách hàng là yếu tố cực kỳ quan trọng. “Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc doanh nghiệp có được một khách hàng đã khó, giữ chân họ lại càng khó hơn. Đây là một trong những điều mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang thiếu do chưa chú trọng nhiều đến trải nghiệm khách hàng. Nếu sản phẩm chạm đúng trái tim của khách hàng và đáp ứng nhu cầu của họ, thì chắc chắn họ sẽ trung thành”, bà Thu quả quyết.

_DAT6515.JPG
TS. Dương Thu, Nhà sáng lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển lãnh đạo chiến lược.

Ông Nguyễn Anh Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bảo Hưng đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa thực hiện hiệu quả các công cụ đánh giá được các chuyên gia chuyển giao là do họ chỉ nghe mà không làm. Do đó, việc phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện là một trong những cách thức tiếp cận quan trọng của chuyên gia. Chuyên gia cần tư vấn và đồng hành cùng doanh nghiệp để phát hiện vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp ưu tiên để doanh nghiệp áp dụng trước và nhanh chóng, hiệu quả.

_DAT6554.JPG
Ông Nguyễn Anh Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bảo Hưng.

Kết luận cuộc toạ đàm, TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, trong thời đại số hành vi trải nghiệm khách hàng thực sự là chủ đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu trong hoạt động bán hàng và marketing. Để nâng cao trải nghiệm khách hàng, các doanh nghiệp cần phát triển và ứng dụng các phương thức bán hàng, sản phẩm mới dựa trên nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Thực tế cho thấy, việc trao đổi, chia sẻ thông tin và bài học về hành vi trải nghiệm khách hàng giữa các doanh nghiệp là rất cần thiết. Những bài học này sẽ giúp các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả hơn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

VACOD, HBA RÁO RIẾT CHUẨN BỊ "XUẤT TRẬN" SANG KAZAKHSTAN VÀ KYRGYZSTAN

Cũng tại Chương trình Bữa sáng Doanh nhân, Chủ tịch VACOD – HBA thông báo về tiến trình của đoàn doanh nghiệp thuộc hai Hiệp hội sang khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại hai quốc gia Trung Á Kazakhstan và Kyrgyzstan dự kiến diễn ra từ 22-30/9 tới. Chương trình này được thực hiện song hành bên cạnh chuỗi hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn đầu trong chuyến thăm và làm việc tại Kazakhstan và Kyrgyzstan.

_DAT6608.JPG
Từ 22-30/9, Đoàn doanh nghiệp thuộc hai Hiệp hội VACOD, HBA sẽ sang khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại hai quốc gia Trung Á Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Cụ thể trong 9 ngày, đoàn doanh nghiệp thuộc hai Hiệp hội sang khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại hai quốc gia Trung Á Kazakhstan và Kyrgyzstan sẽ tới thăm quan một số địa điểm nổi tiếng, tham quan thành phố Astana và Almaty của Kazakhstan, thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan…

Đặc biệt trong chiều ngày 26/9, đoàn sẽ làm việc với Phòng Thương mại quốc tế Kazakhstan và Bộ Công nghiệp và Phát triển Hạ tầng Kazakhstan. Sau đó, dự khai trương Văn phòng giới thiệu, trưng bày sản phẩm hàng hoá của Việt Nam ở Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan. “Vì vậy các doanh nghiệp VACOD, HBA tham gia đoàn xúc tiến thương mại có thể giới thiệu, trưng bày các sản phẩm, hàng hoá của mình với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai quốc gia. Ngoài ra đoàn sẽ có buổi làm việc với Chủ tịch thành phố Almaty, Kazakhstan và thăm công ty Maravenfood của doanh nghiệp Việt Nam tại Kazakhstan”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Chủ tịch Sơn cho biết thêm, VACOD, HBA cũng đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại hai quốc gia Trung Á trên bố trí, sắp xếp các doanh nghiệp địa phương xứng tầm để tiếp đón, làm việc với đoàn xúc tiến thương mại của hai Hiệp hội trong chuyến đi lần này.

Bà Vũ Giang Biên - Giám đốc công ty du lịch Thiên đường Á châu (PATTOURS), thành viên đoàn xúc tiến thương mại VACOD, HBA cho biết, hai đất nước Trung Á Kazakhstan và Kyrgyzstan hấp dẫn du khách bởi những thảo nguyên hoang dã vô tận, cùng với các hồ nước ngọt và nước mặn đặc biệt quyến rũ, những rừng thông độc đáo, dãy Thiên Sơn hùng vĩ. Tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch rất lớn.

_DAT6648.JPG
Bà Vũ Giang Biên - Giám đốc công ty du lịch Thiên đường Á châu (PATTOURS).

Trong khi đó, Kyrgyzstan tự hào có một số địa điểm di sản độc đáo trải qua nhiều thời đại khác nhau, bao gồm cả thời kỳ của Con đường Tơ lụa cổ xưa. Đây là một đất nước của những địa danh thiên nhiên kỳ thú, một đất nước núi non hùng vĩ thường được mệnh danh “Thụy Sĩ Trung Á". Hiện tại Kazakhstan miễn thị thực cho phép lưu trú cho công dân Việt Nam là 30 ngày, còn Kyrgyzstan là 60 ngày.

Bà Vũ Giang Biên lưu ý, các nước Trung Á có nhiều cửa hàng, chợ, siêu thị với nhiều sản phẩm đa dạng, từ đồ thủ công truyền thống đến hàng hiệu. Tuy nhiên, giá cả và chất lượng sản phẩm có thể khác nhau tùy địa điểm và phương thức thanh toán. Đây là những thị trường hàng tiêu dùng, du lịch đầy tiềm năng chờ đợi các doanh nghiệp Việt khai phá.

Cũng tại Chương trình Bữa sáng Doanh nhân, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhắc văn phòng hai Hiệp hội VACOD, HBA và các bộ phận liên quan chuẩn bị thật tốt để tổ chức thành công các sự kiện sắp tới của hai Hiệp hội. Cụ thể, vào ngày 5/10 tới, HBA sẽ tổ chức Gala Doanh nhân Thăng Long 2023 tại Hà Nội.

Tiếp đó, ngày 12/10, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD cũng sẽ tổ chức chương trình: Giao lưu Doanh nhân Ba miền Bắc - Trung - Nam 2023 tại Bến Tre. Đây là chương trình thường niên nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và năm nay được tổ chức với sự phối hợp của VACOD với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…