Thị trường vốn trầm lắng, doanh nghiệp đồng loạt hoãn phát hành cổ phiếu

Nhiều doanh nghiệp bất ngờ hủy kế hoạch phát hành, chào bán cổ phiếu đã làm dấy lên câu hỏi lớn về sức hấp dẫn của thị trường vốn...

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã quyết định tạm gác lại các kế hoạch huy động vốn đã được cổ đông phê duyệt tại đại hội đồng cổ đông thường niên.

DOANH NGHIỆP "QUAY XE", DỪNG KẾ HOẠCH PHÁT HÀNH CỔ PHIẾU

Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (mã chứng khoán: DIG) gần đây thông báo ngừng phát hành 200 triệu cổ phiếu ra công chúng với mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 3.000 tỷ đồng dự kiến huy động từ thị trường.

Theo DIG, động thái này nhằm đảm bảo quyền lợi cổ đông trong bối cảnh thị trường không thuận lợi. Hội đồng quản trị đã quyết định tìm phương án huy động vốn thay thế và sẽ cân nhắc phát hành cổ phiếu vào thời điểm phù hợp hơn.

Tương tự, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội (mã chứng khoán: NHA) cũng thông báo tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng, dù đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua.

Theo kế hoạch ban đầu, NHA dự kiến phát hành 8,8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh và dự kiến triển khai lại vào thời điểm khác.

Không ngoại lệ, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) cũng đã quyết định tạm dừng kế hoạch chào bán hơn 152 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm huy động 1.500 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến dùng để trả gốc và lãi các khoản vay ngân hàng, trái phiếu.

Lý do tạm dừng được Hải Phát Invest đưa ra là nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông do tình hình thị trường không thuận lợi và đảm bảo tính khả thi của đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản mà một số ngân hàng cũng quyết định tạm dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu nhằm thích ứng với biến động thị trường.

Tại, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (mã chứng khoán: OCB) cũng quyết định ngừng triển khai hai trong ba phương án tăng vốn năm 2024. Cụ thể, OCB tạm dừng phát hành 900.000 cổ phiếu riêng lẻ và 5 triệu cổ phiếu ESOP. Phương án duy nhất được thực hiện là trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:20, đã hoàn tất vào cuối quý 3 vừa qua.

Ngoài khối ngân hàng, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (mã chứng khoán: VTR) cũng thông báo rút lại hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Doanh nghiệp cho biết sẽ điều chỉnh phương án sử dụng vốn để phù hợp với thực tế, trước khi nộp lại hồ sơ mới.

THỊ TRƯỜNG VỐN GIẢM SỨC HẤP DẪN

Việc nhiều doanh nghiệp đồng loạt tạm dừng kế hoạch chào bán cổ phiếu trong năm 2024 không chỉ phản ánh bối cảnh thị trường kém thuận lợi mà còn làm dấy lên câu hỏi lớn về sức hấp dẫn của thị trường vốn.

Ban lãnh đạo DIG chỉ ra rằng, thị trường hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như thanh khoản thấp, áp lực bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại kéo dài suốt từ đầu năm. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến tỷ giá và chính sách lãi suất cũng tạo thêm gánh nặng.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam từng đặt vấn đề về việc doanh nghiệp thiếu vốn, đói vốn nhưng không đi tìm trên thị trường vốn. “Tôi không biết câu trả lời. Tôi cũng đặt câu hỏi nếu các công ty Việt Nam tìm đối tác chiến lược, vậy tại sao không tham gia thị trường vốn?”.

Theo ông, cần có những điều kiện cần thiết để thị trường vốn trở nên hấp dẫn với cả bên mua – bán, trong bối cảnh thị trường vẫn chưa sôi động được như kì vọng. Để khơi thông thị trường, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là chính sách, bởi hiện vẫn chưa có nhiều chính sách tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư gián tiếp.

Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã nỗ lực để giải quyết các vấn đề thu hút vốn nước ngoài như việc ban hành Thông tư 68/2024, nhưng thực tế các nhà đầu tư nước ngoài chưa xem đó là thông điệp có tác động đủ rõ ràng.

Bên mua nội địa cũng chưa thực sự có cơ chế để đầu tư mạnh tay. Các định chế lớn như các công ty bảo hiểm nhân thọ có nguồn vốn rất lớn, nhưng không thực sự được phép đầu tư ngoài trái phiếu chính phủ. Hay cơ quan Bảo hiểm Xã hội cũng không có nhiều công cụ đầu tư ngoài trái phiếu chính phủ (có giai đoạn lãi suất 5 năm là 1,8%/năm, trong khi các công trả lãi suất vay 8-10%/năm).

Tại Hội thảo "Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025" vừa được tổ chức, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), cho rằng thị trường vốn Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết. Điển hình, cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp còn kém bền vững, chủ yếu được phát hành bởi nhóm ngân hàng và bất động sản. Thị trường cổ phiếu biến động nhất trong khu vực, vẫn còn cách xa các chỉ tiêu đề ra cả về chất và lượng. Thị trường bảo hiểm trong 2 năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục.

Trên thị trường tín dụng ngân hàng, áp lực nợ xấu đang gia tăng trong khi bộ đệm dự phòng của không ít nhà băng đang mỏng dần, cho thấy những yếu tố rủi ro đang tiềm ẩn.

Quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe; hạn chế về hạ tầng công nghệ, niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thị trường vốn chưa thực sự hồi phục, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững

Còn TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương thì cho biết, nhà đầu tư tham gia thị trường hiện nay chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể "lớn', ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn.

"Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào vốn ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới", ông Tú Anh khẳng định.

Có thể bạn quan tâm