"Mùa đông" bao trùm thị trường IPO, thoái vốn nhà nước vắng “bom tấn” năm 2024

Thị trường IPO Việt Nam năm 2024 khép lại với nhiều khoảng lặng, khi chỉ một thương vụ duy nhất được thực hiện, đồng thời hoạt động thoái vốn Nhà nước cũng rơi vào cảnh "ế" khách, phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế và chính sách đầy biến động...

anh-chup-man-hinh-2024-12-27-luc-150014.png

Chỉ còn vài ngày nữa là khép lại năm tài chính 2024, mang theo bức tranh thị trường đầy sắc thái, với những niềm vui và thách thức đan xen. Một điểm nhấn đáng tiếc trong bức tranh đó là sự trầm lắng bao trùm thị trường IPO và sự ảm đạm của hoạt động thoái vốn Nhà nước.

"MÙA ĐÔNG" BAO TRÙM THỊ TRƯỜNG IPO

Trong hơn 10 tháng đầu năm 2024, thị trường IPO tại Việt Nam gần như "đóng băng", với duy nhất một thương vụ được ghi nhận. Thương vụ này diễn ra vào tháng 1 và hoàn tất niêm yết vào tháng 7, nhưng đến cuối năm, đó vẫn là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường.

Đơn vị niêm yết chính là Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE (mã chứng khoán: DSE). DNSE đã chào bán 30 triệu cổ phiếu thông qua phương thức dựng sổ, với giá khởi điểm 30.000 đồng/cổ phiếu, huy động thành công 900 tỷ đồng (tương đương khoảng 37 triệu USD). Công ty còn tham vọng lớn, đặt mục tiêu cán mốc 5 triệu khách hàng, nâng vốn hóa lên 3 tỷ USD (tương đương 72 nghìn tỷ đồng) và đạt lợi nhuận 2,4 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới.

photo1719819181239-17198191813741393378598-17198263514332104311707.jpg
DNSE thành công niêm yết trên sàn HOSE

Theo báo cáo của Deloitte, Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng IPO tại Đông Nam Á trong năm 2024 do chỉ có một thương vụ được thực hiện. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là giá trị huy động từ thương vụ này vượt xa tổng giá trị của cả ba thương vụ IPO diễn ra năm trước và cao gấp 5 lần mức trung bình của các thương vụ IPO trong giai đoạn 2021-2023.

Thị trường IPO ảm đạm không phải điều bất ngờ, khi từ đầu năm, các chuyên gia đã dự báo điều này. Sau thành công của thương vụ DNSE niêm yết, VNDirect vẫn tỏ ra thận trọng, nhận định thị trường IPO sẽ khó bùng nổ vì những thách thức lớn: thanh khoản thị trường thấp, quy định khắt khe hơn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp IPO phải có 2 năm liên tiếp có lãi và không lỗ lũy kế, thay vì 1 năm như trước.

Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam năm qua đối mặt nhiều biến động. Di chứng từ đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, các vụ đại án làm đóng băng thị trường trái phiếu, áp lực lãi suất từ hai năm trước, và sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán đều khiến môi trường IPO kém hấp dẫn.

Tuy nhiên, tia sáng vẫn le lói hướng đến năm 2025. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu phục hồi nhờ các điều kiện vĩ mô tích cực và môi trường lãi suất thấp.

Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo của Deloitte Việt Nam, chia sẻ: “Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi trong năm 2024, được hỗ trợ bởi các điều kiện vĩ mô tích cực và môi trường lãi suất thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các quy định mới để giúp nâng hạng thị trường chứng khoán, nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư hướng đến 2025”.

THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VẮNG BÓNG "BOM TẤN"

Đồng cảnh ngộ với hoạt động IPO, thị trường thoái vốn Nhà nước trong năm 2024 cũng không mấy khởi sắc, với chỉ 4 thương vụ được thực hiện, hầu hết diễn ra trong nửa đầu năm. Các thương vụ này không chỉ ít về số lượng mà còn thiếu sự sôi động, khi kết quả nhiều phiên đấu giá không đạt kỳ vọng.

Vào ngày 15/1, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn tất việc thoái sạch 30% vốn tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (mã chứng khoán: VNC) thông qua đấu giá cả lô hơn 3,15 triệu cổ phiếu. Phiên đấu giá chỉ thu hút hai nhà đầu tư tham gia – vừa đủ số lượng tối thiểu để tổ chức đấu giá. Ông Phan Văn Hùng, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc VNC là người mua toàn bộ lô cổ phần này với mức giá trúng gần 172 tỷ đồng.

Hai tuần sau, vào ngày 29/1, SCIC tiếp tục tổ chức đấu giá toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải Âu (mã chứng khoán: SSG), tương đương 26,56% vốn điều lệ (tức gần 1,3 triệu cổ phiếu). Với giá đấu bằng giá chào bán là 22.300 đồng/cổ phiếu, SCIC thu về gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, số cổ phần này cũng chỉ được phân phối cho hai nhà đầu tư trong nước.

Sang tháng 2/2024, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) thông báo tiến hành bán đấu giá toàn bộ 105,77 triệu quyền mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã chứng khoán: HCM) trong đợt phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 2:1. Với mức giá khởi điểm 7.523 đồng/quyền mua, HFIC kỳ vọng thu về khoảng 800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả lại gây thất vọng lớn khi ngày 28/2, đơn vị thuộc UBND TP.HCM chỉ bán 120.400 quyền mua, mang lại hơn 900 triệu đồng. Dù HFIC tiếp tục bán hơn 105 triệu quyền mua còn lại, số quyền bán được chỉ đạt 5,5 triệu, với giá 7.500 đồng/quyền.

Đợt thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại Công ty Cổ phần Sorbitol Pháp – Việt (Sofavi) là minh chứng rõ nét cho những khó khăn trong việc thoái vốn Nhà nước. Dù Vinachem muốn đấu giá toàn bộ hơn 7,1 triệu cổ phần Sofavi (tương ứng 43,18% vốn điều lệ), kết quả chỉ có 1.100 cổ phần được bán thành công, thu về gần 14,5 triệu đồng - một con số khiêm tốn so với kỳ vọng.

Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại, trong số 4 thương vụ thoái vốn Nhà nước năm nay, có tới một nửa không đạt kết quả như mong đợi. Xen kẽ các đợt đấu giá là nhiều thông báo từ SCIC về việc tiếp tục bán cổ phần tại các doanh nghiệp khác, nhưng phần lớn đều bất thành vì không đủ số lượng nhà đầu tư đăng ký.

Thực tế, câu chuyện thoái vốn bất thành của SCIC đã diễn ra nhiều lần tại các năm trước. Nguyên nhân đứng sau mới mà cũ, bởi về bản chất, một cuộc đấu giá thành công phụ thuộc rất lớn vào chất lượng mặt hàng đấu giá.

Như trường hợp Sofavi, doanh nghiệp này chỉ đạt doanh thu 5,7 tỷ đồng và lỗ ròng 560 triệu đồng trong năm 2023, lỗ lũy kế gần 74 tỷ đồng. Với bức tranh tài chính kém hấp dẫn, khó trách các nhà đầu tư không mặn mà.

Bên cạnh đó, mức giá khởi điểm và tình hình thị trường có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả đấu giá. Trường hợp của HCM, mức giá hơn 7.500 đồng/quyền mua có thể khiến nhiều người e dè trong bối cảnh giá vốn để mua 1 cổ phiếu thời điểm ấy rơi vào khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, giá trị của lô quyền đấu giá là tương đối lớn, còn thị trường chưa có một đợt "sóng thần" như năm 2021 nên sẽ có ít nhà đầu tư quan tâm.

Như vậy có thể thấy, các đợt thoái vốn không chỉ phụ thuộc vào kế hoạch và ý chí từ phía cơ quan quản lý, mà còn đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về giá trị tài sản, định giá khởi điểm và thời điểm phù hợp để đảm bảo sự thành công.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

Việc xuất hiện lực cầu gia tăng khi chỉ số quay về vùng 1.250-1.260 điểm cho thấy đây là mốc hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ với kháng cự gần nhất là vùng 1.280 điểm...

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…