Chỉ còn vài ngày nữa là khép lại năm tài chính 2024, nhiều doanh nghiệp đầu ngành đã lên kịch bản kinh doanh cho năm 2025. Điểm đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp dầu khí thận trọng hạ chỉ tiêu lợi nhuận, ngược lại một số đơn vị từ các ngành khác lại đặt kỳ vọng vào những bước nhảy vọt đột biến.
Tại nhóm dầu khí, Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) dự kiến tổng doanh thu hợp nhất trong năm 2025 đạt 114.654 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 752 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ, kế hoạch doanh thu là 114.438 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 737 tỷ đồng.
Sự thận trọng của BSR xuất phát từ việc thị trường dầu mỏ thế giới nửa cuối năm 2024 suy yếu, với giá dầu chạm mức thấp nhất gần 3 năm qua. Điều này đã khiến các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu và tại Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn. Trong khi đó, biên lợi nhuận lọc dầu tại châu Á giảm mạnh, xuống thấp nhất 4 năm qua kể từ 2020, sau giai đoạn nhu cầu nhiên liệu đạt đỉnh vào mùa hè.
Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - mã chứng khoán: PVT) cũng không ngoại lệ khi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 chỉ đạt 2,7%, kéo theo sự giảm tốc của thị trường vận tải dầu thô và LPG do nhu cầu yếu tại các nền kinh tế lớn. PVTrans đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 33% so với ước tính năm 2024.
Ngược lại, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS) thể hiện tín hiệu lạc quan khi dự kiến tổng doanh thu đạt 22.500 tỷ đồng, tăng 40% so với kế hoạch 2024, nhưng vẫn giảm hơn 6% so với ước tính năm nay. Lãnh đạo PVS nhấn mạnh doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, duy trì lợi nhuận ở mức ổn định.
Về phần Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán: PVD), giá dầu Brent năm 2025 được dự báo trung bình ở mức 74 USD/thùng, giảm so với mức 80 USD/thùng của năm 2024, do áp lực từ lượng hàng tồn kho tăng.
Riglogix dự báo trong 4 năm tới cần khoảng 45-50 giàn khoan tự nâng mỗi năm tại khu vực Đông Nam Á, do đó việc tổng công ty đầu tư giàn khoan tự nâng là bước đi chiến lược phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là thị trường trong nước đang khan hiếm giàn khoan.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường và giá cho thuê giàn khoan, PVD đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 16% so với ước tính năm 2024. Tuy nhiên, các con số này vẫn cao hơn đáng kể so với kế hoạch năm 2023, thể hiện kỳ vọng vào cơ hội dài hạn.
Đối với lĩnh vực hàng không, tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - mã chứng khoán: ACV) đặt mục tiêu phục vụ 118,9 triệu lượt khách trong năm 2025, tăng 7,4% so với năm nay. Trong đó, khách quốc tế dự kiến đạt 44 triệu lượt (tăng 7,2%), và khách nội địa là 72,9 triệu lượt (tăng 7,4%).
Kế hoạch tổng doanh thu năm tới tăng nhẹ 1% lên 21.782 tỷ đồng (doanh thu thuần tăng 6% lên 20.918 tỷ, doanh thu tài chính giảm phân nửa còn 864 tỷ đồng do dòng tiền chi cho các dự án). Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đặt ở mức 10.713 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với kỷ lục năm nay.
Đối với lĩnh vực dệt may, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - mã chứng khoán: VGT) nhận định năm 2025 tiếp tục đối mặt nhiều thách thức như sự bất ổn kinh tế toàn cầu và sự phục hồi của các đối thủ cạnh tranh. Dù vậy, tập đoàn kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 6% và 10% so với năm 2024 nhờ đà phục hồi mạnh mẽ từ các đơn hàng.
Năm nay, Vinatex ước tính doanh thu hợp nhất đạt 18.100 tỷ đồng (tăng gần 3%), lợi nhuận trước thuế đạt 740 tỷ đồng, tăng tới 37,5% so với cùng kỳ.
Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR - mã chứng khoán: GVR) dự kiến tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2025 đạt 27.494 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm nay. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 4.658 tỷ đồng và 3.929 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với ước tính năm nay. Riêng công ty mẹ, doanh thu dự kiến đạt 4.484 tỷ đồng, với lợi nhuận 1.746 tỷ đồng.
Với nhóm bất động sản, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres - mã chứng khoán: SGR) công bố kế hoạch đầy tham vọng với tổng doanh thu hợp nhất 1.078 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 365 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm nay. Nếu đạt được, đây sẽ là năm có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của công ty.
Năm 2025, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – mã chứng khoán: DCM) – doanh nghiệp phân bón có vốn nhà nước – đặt mục tiêu doanh thu 13.983 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 864 tỷ đồng và lãi sau thuế 774 tỷ đồng.
Tại buổi tổng kết năm, lãnh đạo công ty cho biết doanh thu năm nay ước đạt 13.661 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 1.270 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 5% và 1% so với năm 2023.
Như vậy, kế hoạch doanh thu năm 2025 chỉ tăng hơn 2% so với mức ước tính năm 2024, trong khi lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm mạnh 32%, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2021. Ngoài ra, tỷ lệ cổ tức dự kiến sẽ được giữ ở mức 10% trên vốn điều lệ cho năm 2025.
Tổng Công ty Cổ phần Y tế Danameco (mã chứng khoán: DNM) lên kế hoạch doanh thu năm 2025 hơn 196 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 11 tỷ đồng.
Dựa trên tình hình kinh doanh thực tế 11 tháng đầu năm nay, Hội đồng quản trị công ty đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ 330 tỷ đồng xuống còn gần 187 tỷ đồng, tức giảm 43%. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại được điều chỉnh tăng gấp đôi, đạt hơn 1 tỷ đồng.