Danh mục doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ vốn đã được công bố từ nhiều năm trước, nhưng tiến độ thoái vốn vẫn rất chậm. Trong những tháng đã qua của năm 2017, tiến độ cũng không mấy khả quan, thưa ông?
Ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước (Quyết định 155/2004/QĐ-TTg). Từ đó đến nay, Thủ tướng đã ban hành 4 quyết định thay thế theo hướng thu hẹp danh mục ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước giữ cổ phần, đặc biệt là giữ cổ phần chi phối. Những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không giữ cổ phần đương nhiên phải thoái vốn, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trước kia đã đầu tư ngoài ngành phải tập trung thoái vốn ra khỏi lĩnh vực kinh doanh chính, trong đó trọng tâm là 5 lĩnh vực được coi là nhạy cảm, gồm: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính và ngân hàng.
Có thể nói, Chính phủ rất quyết tâm thoái vốn, nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng, kể cả sau khi Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước quy định rõ, Nhà nước nước nắm giữ vốn tại 240 doanh nghiệp, trong đó chỉ nắm giữ 100% vốn tại 103 đơn vị, số còn lại phải cổ phần hóa; các doanh nghiệp không nằm trong danh sách này phải thoái hết.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, 5 lĩnh vực nhạy cảm chỉ thoái được 103 tỷ đồng, còn các lĩnh vực khác thoái được 2.195 tỷ đồng, thu về 3.428 tỷ đồng.
Bán vốn ít nhất phải bảo toàn được giá trị, trong điều kiện thị trường không hấp dẫn, nếu bán dưới giá trị sẽ bị cho là làm thất thoát vốn nhà nước. Theo ông, đây có phải là nguyên nhân khiến lãnh đạo doanh nghiệp chưa mạnh dạn thoái vốn vì sợ trách nhiệm?
Nhà nước đã có cơ chế thoái vốn rất thông thoáng, ngoài thoái cả lô còn được bán dưới mệnh giá, bán dưới giá trị đầu tư, miễn là phải công khai, minh bạch và bán theo đúng giá thị trường.
Vì vậy, tôi cho rằng, không ai sợ bị liên lụy do bán vốn nhà nước dưới mệnh giá, dưới giá trị đầu tư. Cái mà họ sợ là sau khi thoái vốn xong, nhà đầu tư nắm giữ cổ phần chi phối thì không giữ được “cái ghế” trong doanh nghiệp, hoặc nếu có giữ được với vai trò là đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì tiếng nói cũng yếu ớt và có thể bị “ra đi” bất cứ lúc nào.
Với quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, nên có ý kiến cho rằng, nếu thoái hết vốn thì Nhà nước sẽ mất vai trò này?
Đây cũng có thể là nỗi sợ hãi như đã từng xảy ra như thời kỳ bỏ chế độ tem phiếu. Tôi nhớ, khi chuẩn bị bỏ tem phiếu, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, còn tem phiếu, dù đời sống vất vả, nhưng mỗi tháng công nhân, viên chức, người lao động làm việc cho khu vực nhà nước ít nhất cũng được nửa cân thịt, 13 cân gạo, mấy lít dầu… Nhưng nếu bỏ tem phiếu, giá cả “nhảy múa” theo thị trường, người dân sẽ khổ hơn. Cuối cùng, chế độ tem phiếu chấm dứt trước sự ủng hộ nhiệt tình của tuyệt đại đa số người dân vì không còn phải thức khuya, dậy sớm, xếp hàng, “đặt gạch” mua gạo hẩm, thịt ôi, thời gian đi mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, người dân làm việc khác để tăng thu nhập.
Bỏ tem phiếu đã chứng minh hiệu quả của việc giải phóng sức lao động, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Thoái vốn nhà nước cũng vậy, sẽ góp phần tiếp tục giải phóng nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống người dân. Trước đây, những người sợ bỏ tem phiếu cho rằng đời sống người dân sẽ khổ hơn, thực ra là họ sợ bị mất quyền lợi, quyền lực, quyền được phân bổ, ban phát sản phẩm của xã hội cho người khác. Những người sợ kinh tế nhà nước giảm vai trò chủ đạo khi đẩy mạnh thoái vốn cũng vậy, thực ra họ không sợ điều này, mà họ sợ khi vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn thì họ không còn quyền hành, ban phát, ra lệnh.
Từ bài học tem phiếu trước kia, ông có kinh nghiệm gì trong bài học thoái vốn nhà nước bây giờ?
Thời bỏ tem phiếu, cả xã hội, đặc biệt là cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương rất quyết tâm và vô cùng quyết liệt. Tiến trình thoái vốn những năm gần đây đúng là Chính phủ rất quyết tâm, nhưng chưa thực sự quyết liệt. Tuy nhiên, Quyết định 58/2016/QĐ-TTg công bố rõ danh tính 240 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ vốn, nắm giữ bao nhiêu vốn, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc bộ, ngành, địa phương nào, số còn lại phải thoái hết đã cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ.
Mức độ quyết liệt không phải là hô hào, khẩu hiệu, mà đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1232/QĐ-TTg (ban hành ngày 17/8/2017) về Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, quy định danh tính từng doanh nghiệp, hiện tại do bộ, ngành, địa phương nào làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sẽ phải thoái tối thiểu bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước, thoái vào năm nào. Tôi nghĩ, mức độ quyết liệt thế là đã quá đủ vì không một doanh nghiệp hay lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào có lý do để dây dưa, chần trừ.
Có lý do để “hoãn binh”, đó là vịn cớ thị trường không hấp dẫn, thưa ông?
Không phải ngẫu nhiên mà Danh mục thoái vốn đặt ra con số năm 2017 phải thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm 2018 thoái 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái 62 doanh nghiệp và năm 2020 thoái vốn tại 28 doanh nghiệp. Con số này đã được tính toán dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó cũng đã tính toán đến mức độ hấp thụ của thị trường.
Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt thoái vốn và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước; chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ và tăng tỷ lệ thoái vốn so với tỷ lệ tối thiểu hàng năm đã được phê duyệt; bổ sung doanh nghiệp thực hiện thoái vốn sớm hơn nhưng cần đảm bảo hiệu quả, tính công khai, minh bạch. Tôi nghĩ, với yêu cầu này không lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào dám “hoãn binh”.
Theo Báo Đầu tư