Thời trang Việt trỗi dậy, đua cùng Zara, H&M

Trong “cơn bão” đổ bộ của thương hiệu thời trang thông dụng nước ngoài, các thương hiệu trong nước cũng trỗi dậy, thâu tóm đủ mọi phân khúc, để bảo vệ thị phần.
Thời trang Việt trỗi dậy, đua cùng Zara, H&M

Đủ mặt anh tài

Bà Lê Thị Quỳnh Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện (Multimedia JSC) - đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình làm thay đổi bộ mặt thời trang Việt Nam - đã không còn cảm thấy tự ti khi giới thiệu mình đến từ Việt Nam trong những chuyến đi đến các kinh đô thời trang của thế giới.

Giới làm thời trang toàn cầu đang biết đến Việt Nam nhiều hơn, nơi mà hầu hết thương hiệu thời trang từ xa xỉ đến bình dân như Chanel, Giovanni, Salvatore Ferragamo, Versace, Burberry, Topshop, Mango, Zara đã có mặt. Sắp tới đây, H&M, Uniqlo… đã có kế hoạch đặt chân.

“Nhu cầu của người tiêu dùng Việt đã đến độ chín đủ để họ đặt chân vào Việt Nam”, bà Trang nói.

Trước đó, bà Trang cũng vài lần kể tới tâm trạng “hờn dỗi” khi Zara, H&M, Uniqlo xuất hiện nhiều trên tuyến phố đông đúc của các nước láng giềng.

“Nhìn quá trình khảo sát kỹ lưỡng nhiều năm trước đó, tôi tin họ xuất hiện ở Việt Nam không phải để dạo chơi”, bà Trang cho biết.
Nhận định này có thể áp ngay vào kế hoạch khai trương cửa hiệu đầu tiên của H&M tại TP.HCM. Thương hiệu này đã phát đi thông điệp, Việt Nam nằm trong số 5 thị trường trọng điểm mà thương hiệu thời trang Thụy Điển này muốn “tấn công” mạnh trong thời gian tới.

“Chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho khách hàng, giúp họ sáng tạo phong cách thời trang và cá tính ăn mặc cho riêng mình”, ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á chia sẻ.

Việt Nam hiện có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị trường, tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung như Giordano, Bossini (châu Á) và tầm cao như CK, Mango, D&G, Topshop, Gap, Banana Republic, Tommy Hilfiger…
Sự xuất hiện của Zara, tới đây là H&M và Uniqlo, chắc chắn khiến người tiêu dùng Việt thêm phấn khích.

Thương hiệu nội nhớ thời hoàng kim

Sự đổ bộ của thương hiệu ngoại khiến thị trường nhớ về các thương hiệu trong nước phân khúc bình dân lừng lẫy một thời. Có thể gọi tới Foci (Công ty Thời trang Nguyên Tâm), NinoMax (Công ty thời trang Việt), BlueExchange (Công ty thời trang Xanh cơ bản), PT200 (Công ty May Phạm Tường 2000) và Canifa (Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương)…

Trong số này, Foci đã biến mất. Thương hiệu này ra đời vào năm 1999, được định vị ở phân khúc trung cấp và từng rất thành công, thậm chí được coi như hàng hiệu. Năm 2007, Foci đã mở đến 60 cửa hàng.

Hiện nay, bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Tâm (chủ thương hiệu Foci) đã chuyển sang kinh doanh nhà hàng Nhật Bản Shabu Kichoo tại TP.HCM. Bà Báu từng nói, kinh doanh thời trang cần mặt bằng lớn, trong khi giá thuê lại cao. Vừa gặp khó vì sức mua giảm, Foci còn ra đi vì không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ và nạn hàng giả, hàng nhái.

Dù đang phát triển, nhưng Ninomaxx phai mờ khá nhiều so với trước. Được sáng lập vào năm 1998 bởi ông Nguyễn Hữu Phụng, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực thời trang bán lẻ trong nước với hơn 30 năm kinh nghiệm, Công ty Thời trang Việt đã có những bước đi đầy chiến lược để tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cũng như tạo nên tên tuổi của ngành bán lẻ thời trang Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện, Công ty đang sở hữu 2 thương hiệu Ninomaxx - thời trang thông dụng và năng động và N&M - thời trang thông dụng cao cấp và sang trọng. Với mạng lưới phân phối 62 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, dự kiến sẽ tăng lên rất nhanh trong thời gian tới, Thời Trang Việt tỏ rõ quyết tâm củng cố thị phần. Nhưng, theo giới chuyên môn, trong cơn bão cạnh tranh với thương hiệu ngoại, Ninomaxx khó giữ được vị thế.

Giới chuyên môn cho rằng, ngoài những cái khó về chi phí, mặt bằng, doanh nghiệp Việt Nam không giữ được tên tuổi vì hạn chế trong nắm bắt xu hướng và thiết kế, không đem lại trải nghiệm phong cách cho người tiêu dùng, không thay đổi trong cách quảng bá...

Ai đang chuyển mình?

Việc Zara thu về 5,5 tỷ đồng ngay trong ngày khai trương đầu tiên (8/9/2016) tại Vincom Đồng Khởi (TP.HCM) cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam chuộng thương hiệu bình dân ngoại như thế nào.

Phải nhấn mạnh, trong ngành bán lẻ thời trang tại nhiều quốc gia, Zara và H&M đang bị gọi là “kẻ tàn sát” khi bắt đầu tham gia xu thế giảm chi phí, hạ giá thành để tăng cường áp lực cạnh tranh.

Nếu các thương hiệu cùng phân khúc ở trong nước không kịp bừng tỉnh và toan tính lại bước đi, cơn bão đổ xuống các thương hiệu Việt chắc chắn không nhỏ và không xa.

Trong số các thương hiệu nội, hiện nổi lên Canifa với chiến lược phát triển thời trang dành cho số đông. Thương hiệu này đang tìm cách khẳng định vị thế, với tốc độ tăng trưởng và số lượng cửa hàng quy mô nhất ở Việt Nam.

Nhưng, sự có mặt của Zara, H&M, Uniqlo buộc Canifa phải chuyển mình, nhất là khi mục tiêu của các thương hiệu này gần tương tự nhau.

Canifa đã nâng số cửa hàng lên con số 96, với nhiều vị trí đẹp ở các tỉnh thành phố lớn, các trung tâm thương mại hoành tráng. Đặc biệt, lợi thế của các thương hiệu là có nhà máy đặt trong nước, điều này giúp rút ngắn được thời gian từ khâu thiết kế - sản xuất - lên kệ.

Dù vậy, mẫu mã, thương hiệu vẫn là điều khó so sánh. Trong bối cảnh này, Canifa cần tìm ra điểm mạnh. Có thể là giá cả bình dân hơn, thay đổi mẫu mã phong cách hơn, thay đổi chiến lược truyền thông, định vị thương hiệu rõ ràng hơn.

“Để tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang, giá cả không nói lên tất cả, quan trọng phải có sự thay đổi về mẫu mã, đội ngũ thiết kế phải theo được nhu cầu người tiêu dùng”, bà Quỳnh Trang phân tích.

Cũng giống như Canifa, Công ty May TNG có chiến lược bám theo bóng của ông lớn Zara, Uniqlo. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG không lấy làm lạ khi H&M, Zaza, Uniqlo nối chân vào Việt Nam.

“Họ mang vào cơ hội học mẫu tốt cho chúng tôi, nhưng phải chia sẻ thị phần lại là thách thức lớn”, ông Thời nói.

Điểm thuận của TNG là có kinh nghiệm gia công cho các thương hiệu Walmart, Zaza, Levi’s, GAP, CK, Puma… Song điều đó không làm ông chủ tịch thỏa mãn. Ông quyết định thoát khỏi bóng các ông lớn, buông hẳn mảng gia công, chuyển sang bán sản phẩm thương hiệu TNG. Trong năm nay, chuỗi cửa hàng thương hiệu TNG sẽ đạt khoảng 100.

Theo ông Thời, Zara mạnh ở khía cạnh mẫu mốt, sản phẩm ra số lượng ít, ra hết không làm lại, phù hợp với chị em phụ nữ luôn có tâm lý không thích bị đụng hàng. Trong khi Uniqlo lại luôn được người tiêu dùng yêu chuộng bởi chất liệu tốt.

“Kinh doanh thời gian thắng thua nằm ở việc các thương hiệu chớp được mẫu mốt. Nên các doanh nghiệp Việt cần có được đội ngũ cán bộ thiết kế thật điêu luyện”, ông Thời nói.

TNG đang phần nào đáp ứng nhu cầu thị trường, dần chiếm được thị phần nhất định. So với các thương hiệu ngoại, TNG đang lợi về giá. “TNG sẽ bật lên ở lợi thế này”, ông Thời nhấn mạnh.\

Đến giai đoạn này, cuộc cạnh tranh giữa thương hiệu thời trang Việt với thương hiệu quốc tế đang vào hồi khốc liệt. Các thương hiệu nội địa tiếp tục hướng đến phân khúc tầm trung; chọn chiến lược nâng cao chất lượng, thiết kế…

Nhưng để thành công, có lẽ các thương hiệu Việt cần làm nhiều hơn nữa để chiếm được lòng tin của khách hàng!

Theo baodautu.vn

baodautu.vn/thoi-trang-viet-troi-day-dua-cung-zara http://baodautu.vn/thoi-trang-viet-troi-day-dua-cung-zara-hm-d66011.html

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...