Thống nhất cao phương án nhân sự chủ chốt các đặc khu

Bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu có thể do một phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh đảm nhận...
Thống nhất cao phương án nhân sự chủ chốt các đặc khu

Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang về xây dựng hệ thống chính trị tại các đặc khu.

Bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu có thể do một phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh đảm nhận.

Theo chương trình dự kiến, luật về ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 21/5 tới đây.

Một trong những vấn đề rất quan trọng của dự án luật này là mô hình tổ chức chính quyền đặc khu sẽ được tổ chức thế nào, và nhân sự sẽ được chọn lựa ra sao để đáp ứng yêu cầu đột phá được kỳ vọng từ các đơn vị này.

Tại dự thảo được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp vừa qua thì thiết chế trưởng đặc khu như đề xuất ban đầu của Chính phủ đã không còn. Mà, chính quyền đặc khu được xác định là một cấp chính quyền, có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân. Hội đồng nhân dân đặc khu sẽ có từ 9-15 đại biểu, không tổ chức thường trực và các ban.

Uỷ ban nhân dân đặc khu bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu sẽ do hội đồng nhân dân đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, trình Thủ tướng phê chuẩn.

Phó chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu do hội đồng nhân dân đặc khu bầu theo giới thiệu của chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu và được chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh phê chuẩn.

Về hệ thống chính trị tại các đặc khu, phương án được Ban Tổ chức Trung ương đưa ra tại hội nghị chiều 23/4 là thành lập đảng bộ đặc khu là đảng bộ cấp huyện trực thuộc đảng bộ tỉnh.

Ban chấp hành đảng bộ được cơ cấu từ 21- 27 người, gồm thường trực đảng ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, thủ trưởng cơ quan quân sự, biên phòng, công an, tòa án, viện kiểm sát và người đứng đầu cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc của cấp ủy, chính quyền; chủ tịch mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bí thư đoàn thanh niên và một số trưởng khu hành chính. Ban thường vụ đảng ủy không quá 7-9 người.

Với nhân sự cao nhất của đặc khu, Ban Tổ chức Trung ương đưa ra 2 phương án đối với bí thư đảng ủy đặc khu, hoặc đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân, là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy; hoặc đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu, là ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh.

Nếu bí thư đồng thời là chủ tịch thì bố trí một phó bí thư là phó chủ tịch phụ trách an sinh xã hội và xây dựng hệ thống chính trị...

Lãnh đạo cả ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang đều nhất trí phương án bí thư đảng ủy đặc khu kiêm chủ tịch uỷ ban nhân dân và sẽ do một phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh đảm nhiệm.

"Nếu bí thư mà không là chủ tịch thì vẫn như cũ, không có gì đặc biệt cả. Vì bí thư là chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu rồi, thì đề nghị một phó bí thư là chủ tịch hội đồng nhân dân kiêm công tác tổ chức đảng và hệ thống chính trị luôn", Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Đọc cũng không đồng tình với phương án chủ tịch đặc khu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giới thiệu, mà cho rằng nên do chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh giới thiệu vì chủ tịch tỉnh nắm chắc tình hình địa phương hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang nêu ý kiến, chủ tịch đặc khu phải do ban thường vụ tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất Bộ Nội vụ thẩm định năng lực, tiêu chuẩn rồi mới trình Thủ tướng cho phép hội đồng nhân dân đặc khu bầu, sau đó Thủ tướng lại phê chuẩn chức danh này.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc cũng ủng hộ phương án bí thư kiêm chủ tịch đặc khu.

Trước sự thống nhất rất cao, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính kết luận: "tổ chức đảng theo hướng có đảng bộ cơ sở và trên cơ sở. Bí thư cấp ủy, chúng ta cơ bản tán thành là chủ tịch đặc khu, không ai phản đối cả; một phó bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, kiêm mặt trận; một phó phó bí thư kiêm chính quyền".

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh, nguyên tắc là không để trống quyền lực, cần nghiên cứu và đề xuất để thực hiện theo hướng chính quyền cũ phải tổ chức bầu được chính quyền mới theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các quy định của Đảng và Nhà nước hiện hành. Đồng thời, tổ chức tốt đội ngũ cán bộ để khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ban hành là triển khai thực hiện được ngay.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...