Doanh nghiệp cùng giới kinh doanh háo hức, bởi họ đang chứng kiến và hưởng lợi rất lớn từ những thay đổi vô cùng mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh sau cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 4/2016 với thông điệp Chính phủ liêm chính và hành động vì sự phát triển của người dân, doanh nghiệp. Hẳn nhiên, doanh nghiệp và giới kinh doanh tiếp tục kỳ vọng vào những thay đổi tích cực tiếp theo.
Nhưng vẫn còn những vướng mắc mà doanh nghiệp kiến nghị trong lần gặp trước chưa được giải quyết, trong khi đã xuất hiện thêm vấn đề cần lý giải. Đó là việc hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp liên tục lên tiếng, gửi kiến nghị trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của Hội đồng Nhân dân TP. Hải Phòng có hiệu lực vào đầu tháng 1/2017.
Nỗi lo tận thu và cát cứ đang lớn dần, đánh vào niềm tin ứng trước của doanh nghiệp với Chính phủ.
Đó là nỗi lo ngày càng tăng đang đổ dồn vào sự xuất hiện của Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại do Bộ Công thương được giao chắp bút, trình Chính phủ. Về cơ sở pháp lý, dự thảo này nhằm thực hiện Khoản 4 Điều 6, Luật Thương mại 2005. Song câu hỏi đặt ra ở đây là vào thời điểm hội nhập và cạnh tranh đang là chìa khóa của phát triển, thời điểm Chính phủ đang nỗ lực hiện thực thông điệp trả lại quyền kinh doanh cho thị trường, thì bàn chuyện nhà nước giữ độc quyền theo cách dựng hàng rào danh mục ngành nghề, thay vì áp dụng quy định về điều kiện kinh doanh liệu có hợp lý?
Tạm chưa bàn tới danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong Dự thảo, dù có nhiều lĩnh vực cần giải trình rõ sự tồn tại của chúng trong danh mục, ngay cả việc đương nhiên là Nhà nước có trách nhiệm độc quyền trong một số trường hợp đặc biệt, thì đó không phải là đặc quyền. Việc thực hiện trách nhiệm này cũng phải tuân thủ theo yêu cầu mới của nền kinh tế, với tư duy thị trường mà Việt Nam đã mất 30 năm qua hướng tới.
Nỗi lo trên khiến doanh nghiệp phải đặt trong thế chờ đợi dù có những thông tin tốt về môi trường kinh doanh trong tuần. Trong số những thông tin này, phải kể đến Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp liên tục lên tiếng, gửi kiến nghị trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của Hội đồng Nhân dân TP. Hải Phòng có hiệu lực vào đầu tháng 1/2017
Khác với 3 phiên bản trước tập trung tháo gỡ các vướng mắc hiện hữu, lần này, Chính phủ đặt yêu cầu cải cách cao hơn, với mục tiêu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc khó, nhưng đã được giao tới từng cơ quan cụ thể những đầu việc cụ thể, nên chắc sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những yêu cầu trên chỉ mang lại hiệu quả cao nếu có sự thay đổi trong nền tảng tư duy của các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách.
Cân đối giữa thông tin mới liên quan tới môi trường kinh doanh trong tuần này, có thể thấy cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan thực thi chính sách cùng doanh nghiệp cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể sớm hình thành được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hơn nữa, chưa bao giờ, nguyên tắc của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được ghi rõ là bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.
"Nhưng tình hình có vẻ chưa chạy theo đúng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 - cuộc đối thoại doanh nghiệp lớn nhất trong năm giữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với Chính phủ vừa diễn ra, than phiền về gánh nặng thanh tra, kiểm tra vẫn tiếp tục được nhắc tới, trong đó thuế chỉ là một mảng công việc.
Tại VBF, kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 được công bố hồi đầu năm nay cũng được nhắc lại. Đó là có tới 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, hiện tượng doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao được nhấn mạnh. Nếu như các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra/năm thì với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Ngoài ra, 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra bị trùng lặp…
Các con số này cho cảm giác rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh quá nặng các khoản chi trả không chính thức, phải chấp nhận tình trạng nhũng nhiễu nhiều đến mức luôn ở thế đối phó, phòng thủ với những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp… Thời gian cho làm ăn kinh doanh, nâng cao năng suất, vì vậy không còn nhiều. Các doanh nghiệp cũng không muốn lớn để bị kiểm tra, thanh tra nhiều.
Không thể phủ nhận, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng có vẻ như vẫn còn khoảng cách lớn nữa để doanh nghiệp Việt Nam được kinh doanh trong một môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp. Đáng ra, bộ máy nhà nước phải trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, để mở đường thúc đẩy doanh nghiệp phát triển… thì ở Việt Nam, dường như yêu cầu tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu vẫn chưa thực hiện hết…
Cho tới thời điểm này, có thể nói, doanh nghiệp đã nhận rõ thông điệp và các quyết tâm cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống văn bản, chính sách cũng được hoàn thiện căn bản. Nhưng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi, chế tài và ký luật hành chính cần phải được làm rõ hơn.
Có như vậy, tinh thần cải cách quyết liệt của Chính phủ mới đến được từng doanh nghiệp cụ thể.
Theo Đầu tư