Thủ tướng chỉ ra 9 điểm sáng trong việc triển khai dự án giao thông

Hơn 1 năm qua, quá trình triển khai dự án giao thông có nhiều điểm tích cực, đã tháo gỡ về công tác giải phóng mặt bằng, pháp lý của nhiều dự án…

4008_image001.jpg
Nhiều điểm tích cực trong việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Ảnh minh hoạ

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 368/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

9 ĐIỂM SÁNG CỦA DỰ ÁN GIAO THÔNG

Sau hơn 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã có nhiều đợt kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ nhiều tồn tại, vướng mắc trong triển khai các dự án; tiến độ triển khai các dự án đã có sự thay đổi rõ rệt, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận 09 điểm sáng.

Thứ nhất, tổng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của các công trình giao thông trọng điểm đã đạt trên 50%, cao hơn trung bình của cả nước.

Thứ hai, các dự án còn tồn đọng về pháp lý cơ bản đã được giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai.

Thứ ba, dự án giai đoạn 2017 - 2020 đã được kịp thời tháo gỡ về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cấp mỏ vật liệu xây dựng… tạo điều kiện để các đơn vị triển khai thi công "3 ca 4 kíp" nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Theo đó, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 5/11 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; 4 dự án đang tập trung, tích cực thi công để đưa vào khai thác trong năm 2023 và 2 dự án thành phần hoàn thành khai thác trong năm 2024.

Thứ tư, các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị khởi công đã được các bộ, ngành, địa phương phối hợp tích cực, hoàn thành nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư, bố trí, phân bổ và điều chỉnh vốn; trình các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề thủ tục pháp lý…; bảo đảm đủ điều kiện chuẩn bị khởi công nhiều dự án trong thời gian tới.

Thứ năm, các dự án đường bộ cao tốc triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) được điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai; nhiều thủ tục được đẩy nhanh, rút ngắn thời gian; thực hiện công khai, minh bạch hơn.

Thứ sáu, các địa phương đã huy động, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt công tác vận động người dân để hoàn thành tốt công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng các tiến độ yêu cầu; đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM nơi có mật độ dân cư lớn nhưng đã tích cực triển khai để bàn giao mặt bằng các dự án với tỷ lệ cao; đây là sự cố gắng rất lớn, bước đột phá về triển khai so với các dự án trước đây.

Thứ bảy, ghi nhận sự cố gắng nỗ lực, đánh giá cao của các chủ đầu tư đã khắc phục những bất cập, rút kinh nghiệm các vướng mắc để thực hiện đạt kết quả khả quan; trong đó ACV đã có tiến bộ bước đầu triển khai dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1.

Thứ tám, sự nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu trong thời gian qua, "vượt nắng, thắng mưa", thi công hoàn thành đúng tiến độ; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản lý để hợp lý chi phí, tăng lợi nhuận; thực hiện tốt phương châm khó khăn chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp.

tung_3840372_2682020.jpg
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Cuối cùng, sự chủ động triển khai, phối hợp tích cực trong phạm vi được giao giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề chung, vấn đề khó khăn. Biểu dương các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp giải quyết các vấn đề khó khăn, tồn tại đã lâu về thủ tục pháp lý tại một số dự án để triển khai trở lại. Đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ được giao.

XỬ LÝ DỨT ĐIỂM CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Mặc dù, đã có nhiều điểm tích cực trong công tác triển khai các dự án giao thông quan trọng, nhưng vẫn còn đó những khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong triển khai công việc, vướng mắc ở cấp nào, cấp đó chủ động giải quyết, giải quyết có thời hạn không đùn đẩy trách nhiệm, không chuyển việc thuộc nhiệm vụ của mình lên cấp trên, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, về công tác giải phóng mặt bằng, đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, là điểm nghẽn, nút thắt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đặc biệt là phần công việc, diện tích giải phóng mặt bằng liên quan đến đất ở, di dời hạ tầng kỹ thuật, mồ mả…

9845-1693878328-z46261980261154580e33d367d8c7a7ce88ebfbe23f810-1692697903685431746132.jpg
Một đoạn của cao tốc Bắc - Nam

Các địa phương cần phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể xã hội, tôn giáo… cùng chung tay vào cuộc và nỗ lực thực hiện; cấp ủy tại địa phương phải trực tiếp trao đổi với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đề xuất giải pháp hợp tình, hợp lý đúng quy định pháp luật, không để phát sinh mất an ninh trật tự; khuyến khích hình thức tái định cư tại chỗ.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng trình tự, thủ tục xác định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, không ban hành đơn giá bồi thường, hệ số điều chỉnh giá đất thiếu cơ sở làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng bất hợp lý, không phù hợp với khung chính sách đã được Thủ tướng phê duyệt và quy định của pháp luật.

Các địa phương cần giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân; tỉnh Đồng Nai cần đặc biệt chú ý đối với các dự án trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, EVN và chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn thành thỏa thuận phương án di dời đường điện cao thế, cáp viễn thông...

Ngoài ra, các địa phương khẩn trương hoàn thành hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3/2023.

Về vật liệu xây dựng thông thường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có nhiều chỉ đạo liên quan về vật liệu xây dựng thông thường; gần đây là Thông báo số 311/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo tại Phiên họp Ban chỉ đạo thứ 6. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện.

Về nguồn cát cung cấp cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… để giải quyết dứt điểm trước ngày 08/9/2023.

Về vốn cho các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các thủ tục giao vốn, điều chỉnh vốn, phân bổ vốn cho các dự án, không phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết; rút kinh nghiệm trong việc chậm trình cấp có thẩm quyền phân bổ vốn 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây.

cao_toc_20230803180838.jpg
Mô phỏng 1 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất chính sách cho các ngân hàng thương mại tham gia tích cực trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng chiến lược, ưu tiên, ưu đãi về lãi suất cho các nhà thầu, nhà đầu tư các dự án hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Còn công tác triển khai dự án, đối với công tác tư vấn, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tư vấn phải công tâm, triển khai công tác vì lợi ích chung, giải pháp thiết kế phải hiện đại, đúng quy định, hợp lý về chi phí, không lợi ích nhóm.

Các nhà thầu cùng chung sức đồng lòng, chia sẻ các khó khăn, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, khó khăn sẻ chia; tiếp tục tập trung thi công "3 ca 4 kíp" để hoàn thành dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, kỹ thuật, mỹ thuật, không "đội" vốn… Công tác đấu thầu, chỉ định thầu, cấp mỏ, cấp nguyên vật liệu cần triển khai công khai minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm