Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định chủ trương các dự án từ 300ha

Trình bày trước Quốc hội về Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương dự án từ 300ha.

Sáng nay, 4/1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường. Đó là các luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, một số điều của Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự

Tại Luật Đầu tư công, Chính phủ trình sửa 3 điều (Điều 17, Điều 25 và Điều 33) để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương.

Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. (Ảnh: Int)
Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. (Ảnh: Int)

Trong đó, đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý. 

Trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 cũng được đề xuất sửa đổi theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C, nhằm đảm bảo đồng bộ với đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công.

Đây cũng là giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.

Đối với Luật Đầu tư, Chính phủ trình việc sửa đổi, bổ sung 4 điều, gồm 31, 32, 33, 75 để làm rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị từ 300 ha trở lên.

Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dưới các mức trên phân quyền cho UBND cấp tỉnh.

Phân quyền thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cơ quan có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng thời với việc phân quyền thì cần bổ sung quy định đảm bảo tính giám sát, tránh lạm dụng việc phân cấp.

Đối với hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà đầu tư có 1 trong các quyền sử dụng đất gồm quyền sử dụng đất ở hợp pháp; quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở; các diện diện đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm