Thủ tướng: "Chính phủ sẽ không để xảy ra cú sốc với nền kinh tế"

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô...
Thủ tướng: "Chính phủ sẽ không để xảy ra cú sốc với nền kinh tế"

"Tổ tư vấn kinh tế chủ động phân tích, thấy được những khó khăn bên trong và bên ngoài, từ đó, góp ý về các cơ chế chính sách để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững; có tư vấn về chiến lược phát triển, nhất là các động lực mới, các nhân tố mới, các "dư địa" cần tập trung để phát triển".

Yêu cầu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông có buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chiều 23/8. Một trong những mục đích chính của cuộc làm việc chính là Thủ tướng muốn Tổ tư vấn nêu ra được những lời giải trong việc tìm động lực mới, các nhân tố mới, các dư địa cho phát triển.

Có cần điều chỉnh chỉ tiêu?

Theo Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Vũ Viết Ngoạn, tại cuộc làm việc lần thứ 5 này, Tổ tư vấn đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát 37 vướng mắc phổ biến đối với doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư trong 9 luật và văn bản dưới luật. Tổ tư vấn cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với các vấn đề kinh tế nóng mới nổi lên như biến động thị trường chứng khoán, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc…

Cùng với đó, Tổ tư vấn đã đưa ra báo cáo nhận định về kết quả thực hiện chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng sau 2 năm rưỡi với việc trả lời cho 3 câu hỏi: Kết quả tái cơ cấu đã làm thay đổi được gì về nền tảng, tạo thêm động lực tăng trưởng và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài?

Đánh giá khả năng đến năm 2020, có tạo được cấu trúc kinh tế và cân đối vĩ mô đủ vững chắc để đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức mình quân 7- 7,5% trong giai đoạn 2021-2025? Có cần bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu, giải pháp gì để vừa bảo đảm đạt mục tiêu đặt ra, vừa phù hợp với bối cảnh mới, cả trong và ngoài nước?

Tổ tư vấn nhìn nhận, mô hình tăng trưởng bước đầu có chuyển biến theo hướng tích cực. Tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn, đạt xấp xỉ 6% năm 2017 so với bình quân 4,6% giai đoạn 2012-2015. Đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 44%, so với 33,5% giai đoạn 2011-2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh hơn và cải thiện tỷ trọng đóng góp vào GDP. Xuất khẩu khu vực trong nước bước đầu có dấu hiệu tăng nhanh hơn khu vực FDI (6 tháng 2018, xuất khẩu khu vực trong nước tăng 19,9% so với khu vực FDI tăng 14,5%).

Tuy nhiên, kết quả đạt được, theo các chuyên gia, vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu, yêu cầu vào năm 2020 cần tạo được tiền đề vững chắc cho giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo phát triển nhanh hơn (GDP tăng bình quân 7-7,5% năm), nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu và mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Theo tính toán của Tổ tư vấn, tốc độ tăng năng suất lao động trong những năm tới phải đạt tốc độ cao hơn mới tạo được tiền đề cho tăng trưởng kinh tế cao hơn trong giai đoạn 2021 - 2025. Để tăng trưởng đạt bình quân 6,85% trong 3 năm 2018 - 2020 và mức 7-7,5% bình quân giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng năng suất đến năm 2020 cần đạt 6,3% và tiến tới phải đạt 6,8%.

Tổ tư vấn khuyến nghị, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 8% GDP (kế hoạch 7%). Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân (bao gồm dân cư) đạt khoảng 15% GDP (năm 2017 đạt 13,5%). Tạo không gian chính sách mới cho chính sách tài khóa: Kiên quyết chỉ đạo thực hiện để đạt mục tiêu đã xác định "chi thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách".

Cần những khuyến nghị cụ thể hơn

Đánh giá cao những khuyến nghị của Tổ tư vấn trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng đây chính là một kênh thông tin hữu hiệu giúp cho Thủ tướng trong việc định hình chính sách và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trong một số lĩnh vực quan trọng; tư vấn, khuyến nghị kịp thời hơn về những vấn đề mới phát sinh.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như khuyến nghị cơ chế chính sách cụ thể của Tổ tư vấn còn hạn chế, chưa huy động nhiều nguồn lực của các nhà khoa học khác tham gia…

Về những tư vấn đối với việc tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, tái cơ cấu kinh tế còn có mặt hạn chế, bất cập như nhiều ngành, lĩnh vực chuyển dịch còn chậm, chưa thực hiện được một số mục tiêu, yêu cầu đề ra…

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để không có cú sốc xảy ra với nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biện pháp kịp thời hơn.

Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của Tổ tư vấn về các giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn để vượt qua các khó khăn, thách thức hiện nay của kinh tế thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh những chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành được khẳng định là đúng đắn thì cần tập trung làm cho tốt như việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục đẩy mạnh, coi đây là một "dư địa" trong phát triển.

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn chủ động phân tích, thấy được những khó khăn bên trong và bên ngoài, từ đó, góp ý về các cơ chế chính sách để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững; có tư vấn về chiến lược phát triển, nhất là các động lực mới, các nhân tố mới, các "dư địa" cần tập trung để phát triển.

Bên cạnh đó cần góp ý cả chính sách ngắn hạn, trung và dài hạn, những đột phá nào để tăng nhanh tự cường kinh tế quốc gia, năng suất lao động, làm chủ công nghệ. Hay những vấn đề lớn khác như nghiên cứu cơ chế liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là vấn đề góp vốn đất đai.

Thủ tướng cũng đặt đầu bài với Tổ tư vấn về cơ chế thúc đẩy huy động nguồn lực trong dân, xã hội hóa, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hình thức hợp tác công-tư (PPP)…

Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...