Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Với định hướng phát triển hướng tới Chính phủ số, cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ được chuyển đổi.
Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Ngày 15/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Đây là lần đầu Chính phủ đưa ra nội hàm khái niệm Chính phủ số. Theo đó, chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số.

Chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Chính phủ số sẽ chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, giúp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân. Mục tiêu cuối cùng là người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Chính phủ số cũng chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Đối với mỗi giai đoạn, mục tiêu cụ thể được đặt ra với các chỉ tiêu cơ bản. Tới năm 2025, chiến lược đặt ra 5 mục tiêu gồm cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, và thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia.

Về nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, chiến lược nêu rõ 6 nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Sáu nhiệm vụ này cũng là nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành, địa phương triển khai trong phạm vi ngành, lĩnh vực địa bàn quản lý.

Chiến lược nêu rõ 10 giải pháp để triển khai, trong đó có các giải pháp về: Tổ chức, bộ máy, mạng lưới; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; hợp tác quốc tế...

Các chỉ tiêu Chính phủ điện tử sẽ cơ bản hoàn thành năm 2021, với trọng tâm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%. Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Theo đó, các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/24 theo nhu cầu, các dịch vụ công mới được cung cấp kịp thời và trên cơ sở dữ liệu mở.

Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển chính phủ số chính là nói phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số đã bao hàm chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là “bốn Không”, gồm khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số là chính phủ điện tử, thêm “bốn Có”, có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Xem thêm

Việt Nam tiếp tục tăng hạng về chính phủ điện tử

Việt Nam tiếp tục tăng hạng về chính phủ điện tử

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 mới được Liên hợp quốc công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 86 trong số 193 thành viên Liên hiệp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Với vị trí này, Việt Nam đã duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.

Có thể bạn quan tâm