Việt Nam tiếp tục tăng hạng về chính phủ điện tử

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 mới được Liên hợp quốc công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 86 trong số 193 thành viên Liên hiệp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Với vị trí này, Việt Nam đã duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.

Việt Nam duy trì tăng hạng liên tục

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Liên hợp quốc vừa công bố Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2020. Báo cáo có chủ đề “Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững”, thể hiện xu thế mới của năm nay là Chính phủ số. Đây là lần đầu, báo cáo EGDI lấy chủ đề là Chính phủ số, trong đó đã hướng đến phân tích những đặc điểm phát triển Chính phủ số như: Dữ liệu là trung tâm; Quyết định dựa trên dữ liệu; Mở dữ liệu; Dữ liệu là nguồn lực chủ chốt, tài sản chiến lược. Đáng lưu ý, báo cáo cho thấy vai trò quan trọng của Chính phủ số khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Cụ thể là trong những hoàn cảnh khó khăn vẫn cung cấp các dịch vụ trực tuyến, duy trì sự lãnh đạo của Chính phủ, tạo sự gắn kết xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế; vai trò Chính phủ số sẽ được tiếp tục sau dịch bệnh. Con đường phía trước là “trạng thái bình thường số mới” đáp ứng với các thách thức toàn cầu và theo đuổi sự phát triển bền vững.

Và ngay trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020, từ vị trí 99 lên vị trí 86.

Cụ thể, về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2020 đạt 0,6667 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988), của khu vực Châu Á (0,6373) cũng như khu vực Đông Nam Á (0,6321).

Về các chỉ số thành phần, cũng như các năm trước, chỉ số EGDI được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần: Chỉ số hạ tầng viễn thông (TII); chỉ số nguồn nhân lực (HCI); chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI). Vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi tương đối lớn. Chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh, xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; chỉ số nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018; chỉ số dịch vụ trực tuyến xếp thứ 81, bị giảm 22 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 59).

VNPT đóng góp quan trọng

Mặc dù chỉ số dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam năm 2019 giảm khá mạnh nhưng có thể nhận thấy, việc khảo sát các dịch vụ trực tuyến để đánh giá đã diễn ra khá lâu (từ tháng 6 đến tháng 9/2019). Trong khi tại thời điểm hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của các cơ quan nhà nước, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, 4) được các bộ, ngành, địa phương cung cấp tăng mạnh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Các Bộ TT&TT, Bộ Y tế đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nếu nhân rộng mô hình thành công này, thời gian tới sẽ có nhiều bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu tương tự.

Góp phần duy trì tăng thứ hạng liên tục của Việt Nam trong các kỳ báo cáo của Liên hợp quốc phải kể đến quá trình tham gia xây dựng, nỗ lực triển khai nhiều dự án Chính phủ điện tử, chuyển đổi số Bộ - Ngành của Tập đoàn VNPT. Tiêu biểu nhất Trục Liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn VNPT đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến và được Văn phòng Chính phủ đưa vào vận hành vào tháng 3/2019. Cho tới thời điểm này, Trục liên thông đã kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 95 đơn vị bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố. Việc triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia ước tính giúp tiết kiệm tới 1.200 tỷ đồng/năm theo tính toán của các cơ quan tư vấn quốc tế. Giải pháp được Chính phủ và các bộ ngành địa phương đánh giá cao, nhiều đơn vị và cá nhân của Công ty đã được Văn phòng Chính phủ tặng bằng khen.

Song song với Trục Liên thông văn bản quốc gia, với kinh nghiệm của một nhà cung cấp giải pháp công nghệ số hiện đại, VNPT đã được lựa chọn đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ Công quốc gia. Hệ thống hạ tầng Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC - Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.

Đến nay, hệ sinh thái Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 55/63 Tỉnh/Thành phố trên cả nước với các dịch vụ tiêu biểu như: VNPT-eOffice có khoảng 4.320 đơn vị trên toàn quốc sử dụng; dịch vụ VNPT-eGate có 36 tỉnh, thành phố sử dụng với khoảng 587 đơn vị cấp sở/huyện, dịch vụ VNPT-eCabinet mặc dù là dịch vụ mới ban hành vào giữa năm 2019, nhưng đến nay đã có 375 đơn vị sử dung và đã triển khai tại 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hệ sinh thái VNPT và bước đột phá Chính phủ số Việt Nam

Đặc biệt, giai đoạn 2018-2019, một số sản phẩm về chính quyền điện tử của VNPT như eOffice, Trục liên thông văn bản (VXP) được giới thiệu và triển khai tại các quốc gia khác như Lào, Cam-pu-chia, Myanmar. Cùng với Chính phủ điện tử, VNPT hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển đổi số Bộ, ngành, địa phương.

Trong lĩnh vực Đô thị thông minh (Smart City), VNPT hợp tác với hơn 28 tỉnh, thành phố về tư vấn xây dựng đề án và triển khai thành phố thông minh. Giải pháp iOffice của VNPT đã có mặt trên 42 tỉnh, thành phố; iGate có mặt 34 tỉnh, thành phố; vnPortal đã có sản lượng chính thức trên 24 tỉnh, thành phố; VXP đã triển khai chính thức cho 4 tỉnh, thành phố…

Trong lĩnh vực Y tế, sản phẩm VNPT HIS đã triển khai tại hơn 7.560 cơ sở y tế; hệ thống VNPT-LIS đã có 1.326 thiết bị được kết nối sử dụng, VNPT-RIS/PACS có 16 cơ sở sử dụng. Sản phẩm VNPT-Pharmacy có 4.446 nhà thuốc sử dụng chính và 6.733 nhà thuốc đang thử nghiệm. Một số dự án tiêu biểu trong lĩnh vực Y tế điện tử: Triển khai thành công Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, triển khai chạy chính thức Cơ sở 2 Bệnh Viện Bạch Mai...

Lĩnh vực Giáo dục, giải pháp vnEdu đã triển khai trên 21.000 trường học, trong đó có 12.185 trường phát sinh dữ liệu, 7.890 trường có học sinh đăng ký sổ liên lạc, cung cấp hơn 4,1 triệu sổ liên lạc điện tử với 6, 2 triệu hồ sơ học sinh trên hệ thống và gần 465 nghìn giáo viên sử dụng tại khắp 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Trong năm 2019, với ứng dụng di động - Mobile App đã có hơn 1 triệu lượt tải vnEdu Connect cho phụ huynh và trên 200 nghìn lượt tải vnEdu Teacher cho giáo viên trở thành App miễn phí có số lượt tải lớn nhất trên các kho ứng dụng Apple Store, Google Play trong lĩnh vực giáo dục tại thị trường Việt Nam.

Nhiều ứng dụng công nghệ mới như VNPT eKYC, Cấp giấy chứng sinh, Xác thực văn bằng, Điểm danh tự động, Lễ tân số, Camera AI được triển khai phục vụ cho rất nhiều bài toán (giám sát, xử phạt vi phạm giao thông, an toàn, an ninh, quản lý tòa nhà...).

Trên cơ sở ứng dụng các nền tảng công nghệ mới, nhiều khách hàng lớn ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hàng không đã lựa chọn VNPT là nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ.

Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình, trong nhiều năm qua, VNPT đã luôn đồng hành cùng Chính phủ và các Sở/ban/ngành nghiên cứu, triển khai xây dựng và vận hành các nền tảng công nghệ hiện đại để ứng dụng CNTT vào hoạt động điều hành. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội, người dân và doanh nghiệp, qua đó giữ vững, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới nâng cao hơn nữa Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI và chỉ số ICT Index.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá iPhone 16 chính hãng hạ nhiệt

Giá iPhone 16 chính hãng hạ nhiệt

iPhone 16 chính hãng vừa được điều chỉnh giá bán, đây là cơ hội cho những ai muốn sở hữu chiếc điện thoại mới của nhà táo với mức giá hợp lý…

1C Việt Nam với nền tảng Low-Code mạnh mẽ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ERP thành công

Giải pháp ERP trên nền tảng công nghệ Low-Code của 1C Việt Nam

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn… Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng 5G đang mở ra một cuộc cách mạng mới trong việc kết nối và trải nghiệm Internet, mang đến tốc độ nhanh hơn và dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với 4G…