Theo đó, Thủ tướng cho rằng, kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí... Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung…
Do đó, Thủ tướng yêu cầu cao hiệu lực, hiệu quả trong liên kết, kết nối vùng. Trong đó kết nối hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng), tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông cần phải sớm được triển khai.
Trước đó, tại công văn số 671/TTg – CN, Thủ tướng đã giao UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa phận từng tỉnh, thành phố. Như vậy, Thủ tướng đã đồng ý phương án Bộ Giao thông vận tải thôi chủ trì xây dựng dự án này.
Trước đó, tại văn bản số 7205/BGTVT-CĐCTVN ngày 8/7/2023 về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và TP. Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị lãnh đạo Chính phủ tiếp tục giao UBND tỉnh Ninh Bình, thành phố Hải Phòng chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa phận của từng tỉnh, thành phố.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quy hoạch được duyệt, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng dài 109 km, quy mô 4 làn xe, kết nối từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án, tỉnh Ninh Bình kiến nghị điều chỉnh vị trí đầu tuyến để phù hợp với quy hoạch phát triển địa phương, theo đó tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 117 km (tăng khoảng 8 km so với quy hoạch).
Trong đó, đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng có tổng chiều dài 29 km đang được UBND thành phố Hải Phòng đầu tư khoảng 22 km theo hình thức BOT. Đối với 7 km còn lại, UBND thành phố Hải Phòng đã báo cáo Thủ tướng giao Hải Phòng là cơ quan chủ quản và cho phép đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của Thành phố.
Đối với đoạn qua tỉnh Thái Bình và Nam Định (dài 62 km), Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP. Đối với đoạn còn lại qua địa phận tỉnh Ninh Bình (dài 26 km) đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình có Nghị quyết thống nhất chủ trương sử dụng 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh và kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 4.865 tỷ đồng để thực hiện Dự án.