Thủ tướng tiếp tục “thúc” tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam

Các địa phương phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành 109 khu tái định cư còn lại trong năm 2020 để di dời các hộ dân vào khu tái định cư.
Thủ tướng tiếp tục “thúc” tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1802/CĐ – TTg ngày 18/12/2020 về việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Nội dung công điện số 1802 nêu rõ, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án) là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế,  Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã rất tích cực triển khai các hạng mục công việc để khởi công các dự án thành phần và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến. Tuy nhiên, về tổng thể tiến độ triển khai dự án còn chậm, trong đó công tác giải phóng mặt bằng không đáp ứng tiến độ cam kết với Thủ tướng Chính phủ (bàn giao toàn bộ mặt bằng trong Quý II/2020).

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy đến hết tháng 11 các địa phương mới bàn giao 92% mặt bằng. Khối lượng còn lại không nhiều, tuy nhiên nếu không tập trung thực hiện quyết liệt sẽ không thể hoàn thành công tác này trong năm 2020.

Trong đó, Thủ tướng đặt biệt lưu ý tới các địa phương có khối lượng GPMB đến nay mới đạt dưới 90%. Chẳng hạn như Khánh Hòa (73%), Ninh Bình (79%), Hà Tĩnh (82,3%), Đồng Nai (85,7%), Nghệ An (87%).

Cạnh đó, tiến độ xây dựng các khu tái định cư tại các địa phương chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu, hiện nay chỉ đạt khoảng 53% khối lượng. Trong đó, một số địa phương thực hiện công tác này rất chậm. Đơn cử như tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật rất chậm. Điển hình như Quảng Trị, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang. Thậm chí tỉnh Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai và Vĩnh Long chưa có khối lượng hoàn thành về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

Để bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến  Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh có dự án đi qua tiếp tục tập trung chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương khẩn trương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng  8 %), cơ bản  bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công Dự án trong năm 2020.

Các địa phương phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành 109 khu tái định cư còn lại trong năm 2020 để di dời các hộ dân vào khu tái định cư (đặc biệt là các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang);

“Lãnh đạo các tỉnh chủ động xử lý các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý, bảo đảm tiến độ thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành”, Công điện số 1802 nêu rõ.

Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng mốt số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2017 – 2020 và khẩn trương chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tiếp nhận bàn giao mặt bằng từ các địa phương để tổ chức triển khai thi công các gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu; rà soát, kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc mới phát sinh về giải phóng mặt bằng, có kế hoạch làm việc cụ thể với các địa phương để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) cũng được Thủ tướng giao khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, viễn thông, …thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình khẩn trương hoàn thành công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2020.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...