Thủ tướng yêu cầu khẩn trương chọn nhà đầu tư để khởi công các dự án cao tốc trong năm 2024

Theo Công điện 01, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trong đó chú trọng đến việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Công điện số 01/CĐ-TTg yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông
Công điện số 01/CĐ-TTg yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 01/CĐ-TTg yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông.

Hiện nay, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương; các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn, các kỹ sư, công nhân... đã quyết liệt, tích cực triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng quốc gia và nhiều công trình đã làm việc liên tục "3 ca, 4 kíp".

Trong năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, có 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 729km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900km.

Tại Công điện 01, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", làm việc xuyên lễ, xuyên tết, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa khô năm 2024, trách nhiệm hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng các công trình, dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

Trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia triển khai dự án, công trình cần đồng tâm hiệp lực, "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích.

Các Bộ trưởng có liên quan nhất là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai đầu tư xây dựng tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và lãnh đạo Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đặc biệt là công tác lựa chọn nhà đầu tư để khởi công các dự án đường bộ cao tốc trong năm 2024 theo đúng kế hoạch đã đặt ra.

Còn Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý giá, công bố giá vật liệu xây dựng; rà soát, sửa đổi các bất cập trong định mức xây dựng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời tham mưu Chính phủ phân bổ vốn đầu tư cho các dự án, công trình giao thông, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án.

Đối với, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, đẩy nhanh thủ tục đầu tư trong lĩnh vực giao thông. Tăng cường quản lý nhà nước trong việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng; tiếp tục hướng dẫn địa phương, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác cấp mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù. Tiếp tục mở rộng phạm vi của dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án giao thông và các công trình xây dựng khác.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản rà soát, đẩy nhanh giải quyết các thủ tục liên quan đến vốn vay ODA, vốn vay của các tổ chức quốc tế cho các dự án giao thông. Cuối cùng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa.

Riêng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai xây dựng cần tuyên truyền vận động người dân để đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trong đó chú trọng đến việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đồng thời, Chủ tịch cơ quan trên cần chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó "đi dân nhớ, ở dân thương".

Quyết định nêu rõ, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm