Thực hiện cơ cấu tài sản, SHB muốn ép nợ xấu xuống dưới 2%

Năm 2023 là năm SHB tăng cường cấu trúc nợ, cấu trúc tài chính và tài sản. Theo đó, ngân hàng sẽ cố gắng đưa nợ xấu xuống dưới mức 2%...
SHB muốn đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%

Chiều 11/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Thành thông lệ hàng năm, SHB luôn có quà tri ân dành cho cổ đông tham dự và uỷ quyền. Do đó, lượng người có mặt tại đại hội SHB rất đông, vào hàng bậc nhất ngành ngân hàng.

Năm 2023 cũng không phải ngoại lệ. Theo ban kiểm tra tư cách cổ đông, tính đến 14h, đại hội có 771 cổ đông tham dự và ủy quyền, đại diện cho 2,03 tỷ cổ phần, chiếm 66,25% tổng số cổ phần có quyền tham dự đại hội.

Với mức độ đại chúng như trên, ban lãnh đạo SHB nhận được rất nhiều câu hỏi của cổ đông, từ nội dung phổ thông đến chuyên sâu. Trong đó, vấn đề về nợ xấu thu hút được sự quan tâm nhất. Bởi lẽ, năm 2023, SHB dự kiến giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,8% cuối năm 2022 xuống dưới 2%.

Thực ra, nợ xấu luôn luôn song hành với hoạt động của ngành ngân hàng. Riêng với SHB, tỷ lệ nợ xấu 2,8% không phải cao nhất và việc giảm hơn 0,8 điểm phần trăm tỷ lệ nợ xấu trong 1 năm cũng không phải chưa xuất hiện.

Ví dụ, vào 7/8/ 2012, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận “kế hoạch giải cứu” của SHB đối với Habubank. Ngay sau khi thực hiện sáp nhập, SHB nhận về những di sản nặng nề từ Habubank. Mức độ nặng nề có thể dẫn chiếu ở quy mô nợ xấu sau sáp nhập đột biến tới 8,7%.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm, tức cuối quý 3/2013, nợ xấu của SHB đã giảm xuống còn 7,75% trên tổng dư nợ, tương đương giảm gần 1 điểm phần trăm.

Phải nhấn mạnh rằng, tại giai đoạn 2012, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn khá non trẻ và vừa trải qua cuộc đại khủng hoảng toàn cầu. Trong khi đó, hiện nay, sức khoẻ mỗi ngân hàng đã được nâng cao, đạt chuẩn quốc tế theo Basel 2 và basel 3. Đồng thời, công cụ hữu hiệu để xử lý nợ xấu là Nghị quyết 42 vẫn được kéo dài đến hết năm 2023. Do đó, việc SHB muốn ép nợ xấu xuống cũng không thể xem như bất khả thi.

Quay lại đại hội SHB thường niên 2023, để củng cố niềm tin cho kế hoạch đưa nợ xấu xuống dưới 2%, bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc SHB cho biết, cổ đông có thể yên tâm về danh mục trái phiếu doanh nghiệp SHB nắm giữ.

Hiện tại, giá trị danh mục chứng khoán đầu tư của SHB tại ngày 31/12/2022 lên tới 32.954 tỷ đồng. Khoản đầu tư này bao gồm 3 phần. Trong đó, trái phiếu chính phủ chiếm 60%; trái phiếu đầu tư của các tổ chức tín dụng khoảng 1.100 tỷ đồng và trái phiếu tổ chức kinh tế khoảng 13.000 tỷ đồng.

Trong phần 13.000 tỷ đồng nói trên, 60% là trái phiếu thuộc mảng năng lượng tái tạo có kỳ hạn 3- 5 năm. Còn 40% là mảng bất động sản và xây dựng liên quan đến 1 số dự án đầu tư khu công nghiệp và nhà ở. Các dự án đều có thanh khoản tốt.

Đồng thời, theo bà Hà, năm nay, SHB đặt mục tiêu trọng tâm là xử lý thu hồi nợ. SHB sẽ áp dụng từng biện pháp cụ thể đối với từng đối tượng khách hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Mặt khác, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng giá trị tài sản đảm bảo chỉ đạt 37%, mức tương đối thấp nên bà Hà khẳng định, SHB hoàn toàn có khả năng thu hồi cả nợ lãi và gốc nếu có nợ xấu xảy ra.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB chia sẻ thêm, có nhiều nguyên nhân khiến khách hàng nợ quá hạn. Vì vậy, ngân hàng sẽ đồng hành cùng các khách hàng đang khó khăn thực sự.

“Có khách hàng gặp khó khăn, dòng tiền về không kịp và không đúng hạn nên bị nợ xấu. Khi đó, ngân hàng sẽ hỗ trợ. Chỉ trường hợp nào bần cùng bất đắc dĩ mới phải dùng biện pháp mạnh, chứ không phải việc gì cũng đưa ra tòa để giải quyết”, ông Hiển nói.

Đồng thời, ông Hiển cho hay, Hội đồng quản trị SHB đã nhấn mạnh trong báo cáo kế hoạch gửi tới cổ đông rằng trọng tâm trong năm 2023 là tăng cường cấu trúc nợ, cấu trúc tài chính và tài sản. Theo đó, Hội đồng quản trị đã thành lập ban chỉ đạo xử lý nợ xấu, nợ quá hạn và ông Hiển trực tiếp đảm nhận vai trò Trưởng ban.

Cũng tại đại hội, cổ đông đã thông qua tất cả các tờ trình, bao gồm các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng tài sản đạt khoảng 600.000 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt trên 36.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 10.200 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 12% theo chuẩn mực Basel 2; kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tỷ lệ cổ tức dự kiến 15% và qua đó dự kiến vốn điều lệ đạt trên 40.000 tỷ đồng.

Dàn lãnh đạo mới của SHB
Dàn lãnh đạo mới của SHB

Đại hội còn thông qua cơ cấu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027, bầu bổ sung các thành viên mới gồm: bà Ngô Thu Hà, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc SHB; ông Đỗ Đức Hải, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB; ông Phạm Viết Dần, Thành viên Hội đồng quản trị; ông Haroon Anwar Sheikh, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...