Một khảo sát từ Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, giai đoạn từ tháng 9/2019 - tháng 8/2020, có tổng số 249.410 bài đăng/video quảng cáo liên quan đến các loại thuốc lá điện tử trên mạng xã hội ở Viêt Nam. Trong đó, lượng bài trên Facebook chiếm phần lớn, với hơn 80%.
Ý kiến trái chiều
Thuốc lá thế hệ mới bao gồm Thuốc lá điện tử (ENDS, e-cigarettes, hay vape) và Thuốc lá làm nóng (HTP). Đặc trưng của thuốc lá thế hệ mới là tạo ra khí hơi aerosol có chứa nicotin bằng quá trình làm nóng-không đốt cháy, do đó giảm được hàm lượng các chất có hại cho sức khỏe.
Tại Việt Nam, thuốc lá thế hệ mới bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 thông qua các kênh xách tay. Đến nay thuốc lá thế hệ mới này đã và đang được rao bán công khai tại Việt Nam trong khi vẫn chưa có doanh nghiệp nào được phép kinh doanh chính thức.
Cùng với rao bán công khai, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử đang tăng nhanh. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành có xu hướng tăng (từ 0,2% năm 2015 lên 0,7% năm 2020), trong đó, nam giới tăng từ 0,4% năm 2015 lên 1,2% năm 2020.
Thuốc lá làm nóng thu hút được người trưởng thành bởi được nhận định là ít độc hại hơn so với thuốc lá đốt truyền thống. Cụ thể, với việc không có quá trình đốt cháy nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá điếu truyền thống, nên sản phẩm thuốc lá làm nóng không tạo ra khói mà chỉ tạo ra khí hơi aerosol, giảm thiểu đáng kể hàm lượng các hóa chất gây hại hoặc có tiềm năng gây hại, không tạo ra mùi và tàn thuốc.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết nguyên nhân gây hại chính từ việc hút thuốc lá bắt nguồn từ quá trình đốt cháy, chứ không phải do nicotin: “Mặc dù không hoàn toàn vô hại, nicotin không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh lý ung thư, phổi và tim mạch – những bệnh lý tước đoạt mạng sống của hàng trăm nghìn người Mỹ mỗi năm”.
Thậm chí, tại một số nước như Anh, New Zealand hay thậm chí cả Khu vực Liên minh châu Âu, thuốc lá thế hệ mới còn được xem như một trong những biện pháp thay thế trong quá trình cai nghiện thuốc lá đốt truyền thống. Theo báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá thế hệ mới, có 42% là người sử dụng thuốc lá điện tử để hút thay thế hoặc hút đồng thời với thuốc lá truyền thống.
Còn với thuốc lá làm nóng, hiện nay trên thế giới đã có ít nhất 63 nước cho phép lưu hành sản phẩm này và Uruguay là nước mới nhất đã tiến hành gỡ bỏ lệnh cấm đối với thuốc lá làm nóng, dù từng chống thuốc lá nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, theo giới nghiên cứu trong nước, thuốc lá điện tử cũng gây hại không kém so với thuốc lá truyền thống. Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Giám đốc Quỹ Phòng chống thuốc lá, thì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang được ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo và giới thiệu với các thông tin không đầy đủ, sai sự thật và gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Theo Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá Hoa Kỳ (Campaign for Tobacco-free Kids), nhiều nước trong khối ASEAN đều ban hành quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới (Brunei, Lào, Singapore, Campuchia và Thái Lan). Tuy nhiên, Malaysia quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử theo quy định như dược phẩm/ thuốc điều trị.
Còn theo THS. Nguyễn Hạnh Nguyên và Th.S. Trịnh Thu Hương của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, thuốc lá điện tử đang nhắm mạnh tới thế hệ trẻ và đang xem thế hệ trẻ là “lực lượng thay thế duy nhất” cho những người bỏ thuốc hoặc chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá. Từ đó, HealthBridge Canada tại Việt Nam khuyến nghị “không nên cho phép thí điểm sản xuất, quảng cáo, phân phối các sản phẩm này và tăng cường các giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo, tiếp thị, buôn bán trái phép các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay”.
Tư duy quản không được thì cấm
Như đã nêu, đến nay việc quảng cáo, rao bán và sử dụng thuốc lá thế hệ mới đã và đang diễn ra công khai. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay trong việc quản hay cấm.
Thực tế đến nay thuốc lá điếu vẫn là ngành kinh doanh hợp pháp và được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, theo quy tắc thông thường, các sản phẩm thuốc lá (dù thuốc lá thế hệ mới hay thuốc lá truyền thống) phù hợp với định nghĩa luật phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc phù hợp với quy định mà Việt Nam cho phép, việc cấm là hành động ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, việc cấm các sản phẩm này không có nghĩa sản phẩm sẽ không tồn tại mà là đi theo con đường chợ đen để tiếp cận người dùng. Báo cáo từ Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 1/2020 đã bắt giữ 78.800 điếu thuốc lá làm nóng thương hiệu HEETS lại Sân bay Tân Sơn Nhất. Tháng 4/ 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ 39.800 điếu thuốc lá làm nóng thương hiệu Marlboro…
Như đã nêu, giới trẻ đang là đối tượng hướng đến của các hãng thuốc lá thế hệ mới. Điều tra sức khỏe học đường tại Việt Nam năm 2019 cho thấy 2,6% học sinh trong độ tuổi 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử từ thị trường chợ đen. Do đó, cơ quan quản lý cần có biện pháp tuyên truyền với giới trẻ để tránh sử dụng các nguồn hàng buôn lậu này, đồng thời tăng cường biện pháp để “cấm” đường đi của buôn lậu chứ không phải cấm một ngành hàng có thể được phép kinh doanh hợp pháp. Bởi trong cơ chế mở hiện nay, dù cấm hay không thì cấm thuốc lá điện tử nói riêng hay thuốc lá thế hệ mới nói chung vẫn sẽ lưu hành trong thị trường.
Người dùng cũng sẽ không được truyền thông đầy đủ cũng như hiểu rõ tác động của những sản phẩm lên sức khỏe sẽ khiến cho việc sử dụng sai và là đối tượng tấn công của buôn lậu.
Ngoài ra, việc cấm cũng có thể dẫn đến thất thu thuế, thất thu ngân sách. Lưu ý rằng hiện nay mặt hàng thuốc lá điếu đang chịu mức thuế nhập khẩu 100 - 135% tùy từng khu vực, thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và thuế VAT 10%. Trong khi đó, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là mặt hàng có giá trị cao, nếu có chiến lược áp dụng thuế thích hợp thì sẽ có nguồn thu đáng kể từ việc quản lý loại hình sản phẩm này.