Đây là thông tin đã được ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chỉ ra tại Hội thảo về tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam do Amcham tổ chức tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, rào cản chính sách đối với các dịch vụ kết nối, dịch vụ chia sẻ, dịch vụ mới cũng tạo khó khăn cho các công ty công nghệ tham gia kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Mặc dù Chính phủ rất thích nói về những chuyện lớn lao như Cách mạng 4.0, nhưng giữa chính sách và thực tiễn pháp luật còn khoảng cách lớn.
Mặc dù phong trào hô hào là ủng hộ các dịch vụ mới phát triển, nhưng Việt Nam chưa thực sự có chính sách hậu thuẫn cho mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ chẳng hạn. Đang tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa ủng hộ cái mới, với thực tiễn kinh doanh.
Đồng thời, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì thương mại điện tử phải có một chính sách an ninh rất tốt, để bảo vệ người tiêu dùng khi có các tranh chấp trực tuyến xảy ra. Hiện nay quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ, khi họ mua một món đồ chi phí nhỏ nhưng chi phí khiếu nại khi có tranh chấp lại lớn hơn. Điều này khiến người tiêu dùng thiếu niềm tin vào mua hàng trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Việt Nam rất cần phải bổ sung các chính sách phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy các dịch vụ mới, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới phát triển, cũng như có chính sách để thương mại điện tử xóa được khoảng cách giữa đô thị vào nông thôn.
Trong giai đoạn tới của thương mại điện tử, giao dịch điện tử đã thâm nhập tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của hầu hết các bộ ngành. Nhiều loại hình kinh doanh mới xuất hiện trên nền tảng điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ di động (mobile technology), dữ liệu lớn (big data), mạng xã hội (social media), Internet vạn vật (Internet of Things) hay blockchain.
Trước sự phát triển này mỗi nước phải có chính sách và pháp luật riêng phụ thuộc vào hệ thống kinh tế xã hội của mình để thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới phát triển.