Thú thực, mỗi lần dạo chơi ở con đường chưa đầy cây số này, người viết lại cố tìm trong bóng dáng phố phường một chút mỹ cảm mềm mại như sắc thái tranh Tô Ngọc Vân mà phố trót mang tên. Xét cho cùng thì bản thân cái tên Tô Ngọc Vân đã là tượng đài nghệ thuật, và thật đáng thất vọng nếu con phố mang tên Tô Ngọc Vân không “duy mỹ” như những gì ta mường tượng.
May thay, phố đẹp như tranh và tình như người.
Lại nhớ, Tô họa sĩ từng nhắn nhủ, ý rằng hội họa của ông “bất lực để diễn ý nhưng sở năng để diễn tình”. Thiết nghĩ, phố Tô cũng tình như vậy.
Để tìm kiếm một Hồ Tây mênh mông, mờ sương của vài chục năm về trước, thuở Hà Nội vẫn còn vắng tiếng còi xe inh ỏi và tiếng dân phố thị ồn ã chuyện trò, thì phố Tô Ngọc Vân là một gợi ý hay ho. Mùa này, đường phố nhỏ hẹp dẫn vào những đầm sen Tây Hồ đang đầu vụ, hương thơm thanh thoát man mác hàng cây số. Người qua lại tấp nập, những gánh hàng sen cũng vội vã tỏa đi khắp Hà thành.
Thực ra, đặc sản của phố Tô Ngọc Vân có lẽ chẳng phải sen, mà là “Tây”. Người nước ngoài sinh sống ở đây có lẽ còn đông hơn người Việt, phần lớn vì họ ham tận hưởng góc phố yên bình hiếm hoi giữa lòng Hà thành kẻ chợ. Con phố vài trăm mét nhưng biệt thự san sát, mỗi căn một kiểu: có cổ kính sang trọng, cũng có hiện đại tinh giản. Dạo vòng quanh, dễ bắt gặp người nước ngoài đi ăn, đi làm, đi chơi, nườm nượp như chính quê hương họ. Chỉ có điều, đứng ở Tô Ngọc Vân, ta chẳng bao giờ lầm lẫn như thể đang lạc vào con đường nào đó ở Mỹ Quốc hay Âu Châu. Quán cóc vỉa hè, tiếng rao hàng rong và hương sen bách diệp tỏa từ đầu phố đến cuối phố, toàn những đặc sản chỉ Hà Nội mới có mà thôi.
Tranh ướp hồn phố
Trộm nghĩ, Tô Ngọc Vân khi vẽ bức Thiếu nữ bên hoa sen, chắc hẳn cũng đang gửi mộng về một thanh nữ Hà thành áo dài thướt tha tựa đầu vào búp hoa bách diệp Tây Hồ đẹp như búp tay người ngọc. Bởi vì hiện lên trong tranh của Tô Ngọc Vân không phải người thiếu nữ khêu gợi thiên về khoái cảm tính dục, cũng chẳng mơ hồ như nét vẽ của vài họa sĩ lập thể và trừu tượng cùng thời. Đừng quên Pierre Renoir từng tô vẽ nàng thiếu nữ bằng má phớt môi hồng, đường cong trễ nải. Đừng quên Modigliani gợi bóng hình những nụ hồng phương Tây bằng nét cọ lập thể với mặt thanh thoát, cổ chon von và thân mềm mại trong những nét cọ rất mực điêu luyện.
Tô Ngọc Vân lờ đi hết thảy, từ nét cọ thanh sắc đến màu tranh mơn mởn hay bố cục tung hoành mà ông học được từ trường lớp mỹ thuật phương Tây. Danh họa đưa vào tranh kỹ thuật của hội họa Pháp nhưng với mỹ cảm của văn hóa Việt Nam, mà đích xác hơn là văn hóa Hà Nội, để tạo nên hình ảnh thiếu nữ thanh tân đài các bên hoa sen trang nhã tinh khôi. Thế rồi vài chục năm sau, người ta lấy tên Tô Ngọc Vân để định danh một con đường dẫn đến đầm sen Tây Hồ thanh thoát như giai nhân trong tranh ngày nào. Quả là một chữ “duyên” khó cầu.
Mùa này, phố Tô Ngọc Vân đang vào đầu vụ sen. Đầm sen nằm ở cuối phố, gió thốc ngược ướp hương sen khắp phố, khoan khoái đến lạ. Thiếu nữ Tây Hồ tà áo đẫm hương sen, thơm tóc, thơm tay, thơm gió.
Tô họa sĩ từng nhắn nhủ, ý rằng hội họa của ông “bất lực để diễn ý nhưng sở năng để diễn tình”. Thiết nghĩ, phố Tô cũng tình như vậy.
Phố ướp hương sen
Bản thân sen không chỉ là một loài hoa, nó mang trong mình nhiều hơn hồn cốt dân tộc và cả sắc thái tâm linh an lạc. Người dân phố Tô không chỉ chơi hoa sen, mà còn gìn giữ nghệ thuật làm trà sen, đưa sen vào nghệ thuật thường thức ẩm thực dân tộc.
Trà sen kén người làm. Làm trà hàng chục năm, chưa chắc đã đủ duyên với trà sen. Cần một tâm hồn thanh tịnh vừa đủ, một sự tỉ mẩn tuyệt đối và thêm một chút nhạy cảm với hoa, may ra ướp trà chuẩn vị. Sen dùng để làm trà phải là loại sen bách diệp (trăm cánh) Tây Hồ, từng lớp từng lớp cánh bao bọc gạo sen, e ấp hương sen không thoát ra ngoài, để trà được đẫm vị và thơm nức.
“Đột nhập” bất kỳ gia đình làm trà sen gia truyền nào trên phố Tô Ngọc Vân mùa này sẽ thấy các bà, các cô, các em thoăn thoắt lật giở cánh sen, giữ lấy gạo sen, bọc gói trà sen cho kịp đơn đặt hàng của khách quý. Người ta bảo chỉ có ở Hồ Tây, nơi tinh túy Hà thành hội tụ mới tạo nên giống sen bách diệp quý giá, và cũng chỉ có người gái Hà thành nền nã thanh tao mới đủ duyên để ướp nên thứ trà sen “thiên cổ đệ nhất” xứ ta.
Ngồi giữa cơ man nào những gói trà sen bọc dở, một bác gái đã hơn hai chục năm làm trà sen ở phố Tô thủng thẳng bảo mình: “Chỉ những ngày nắng to, đêm nhiều sương, trà sen mới càng ngậm mùi, tinh túy. Có hai cách làm trà: ướp túi hương sen khi đã ngắt hoa về nhà, hoặc ướp ngay trên bông sen tươi còn nguyên trên hồ. Mình phải dậy từ tinh mơ, hái sen khi búp còn ngậm sương và xong việc khi mặt trời buông nắng. Trà để ướp sen, mình phải “săn” loại trà đệ nhất vị, quý như trà Shan Tuyết Tủa Chùa chẳng hạn. Trong suốt quá trình làm trà, tâm phải tĩnh mới cảm nhận được thời khắc trà nhuần hương sen, tay phải khéo léo gói trà trong từng lớp lớp cánh sen mỏng mềm như xác áo ve sầu.”
Họa sĩ họ Tô qua đời vào tháng 6, tháng của hoa sen bách diệp đầu mùa. Có chăng hoa đợi tháng 6, đợi ngày tưởng nhớ, đợi một chút tình?
Nghe xong, chợt nhớ Nguyễn Tuân từng bảo phải uống trà sen ướp trọn đêm trong bông sen đang độ hàm tiếu, bông bum búp như hai bàn tay Phật, hái vào buổi ban mai trong trẻo thanh tịnh. Nước pha trà phải là nước sương mai đọng trên lá sen qua đêm, đun trong ấm đồng đỏ bằng than hoa vừa độ. Ấm pha phải là ấm Thái Đức, trà pha phải đủ nước nhuần nhị, kỹ thuật và chăm chút. Ngày ấy, mình cứ bảo Tuân sao mà… vẽ chuyện! Giờ mới thấm, đạo thưởng trà sen chẳng đơn giản hơn những gì Tuân văn sĩ trình bày. Bản thân từng bông sen bách diệp liên hoa Tây Hồ đã là một nghệ thuật, vậy nên làm trà sen sao cho thấm nhuần cái hương vị thuần khiết trong trẻo, cái tinh thần thanh tao an lạc ấy lại càng là nghệ thuật. Cứ theo cách nghĩ ấy, thì các bà các mẹ làm trà sen ở phố Tô quả là nghệ sĩ!
Nổi tiếng nhất phố Tô Ngọc Vân là trà sen bà Dần, nghệ nhân cao tuổi hơn 7 thập kỷ gắn bó với nghề làm trà. Con cháu bà Dần vẫn kể mãi chuyện bà làm trà sen từ thuở thiếu nữ, năm này qua năm nọ gồng gánh cả ngàn gánh hoa sen về nhà. Dù giá trà sen có khi bị đẩy lên hàng chục triệu đồng mỗi kg, giới sành trà vẫn tìm mua nườm nượp. Những thế hệ con, cháu gái tiếp sau cũng nối tiếp nghề trà, gìn giữ những tinh hoa của loại sen bách diệp Tây Hồ nức tiếng. Trà sen phố Tô, hương sen Tây Hồ là như vậy.
Nhấp ngụm trà sen, một bà hàng nước cuối phố đưa chuyện: “Ai bảo tháng 5 đã có trà sen? Lừa hết! Mình ngày nào cũng ngồi ven hồ, tháng 5 chẳng bói ra mống sen nào nở rộ. Hoa sen các nơi nở từ tháng 5, riêng sen Hồ Tây ở đây năm nào cũng vào mùa chậm rãi hơn một chút.” Chợt nhớ, họa sĩ họ Tô qua đời vào tháng 6, tháng của hoa sen bách diệp đầu mùa. Có chăng hoa đợi tháng 6, đợi ngày tưởng nhớ, đợi một chút tình?
Giả chăng ngày ấy, nếu bom đạn không quật ngã Tô họa sĩ ở Điện Biên, có lẽ sau này ta còn được chiêm ngưỡng nhiều bức tranh thiếu nữ thanh tân hơn thế. Đời người ngắn ngủi, như quãng phố Tô Ngọc Vân vài trăm mét tròn. Nhưng thôi thôi, Tô Ngọc Vân vốn chẳng mong mình là thiên tài. Người mất, tranh còn, phố vẫn còn là đủ.