Thương vụ Grab mua Uber có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh

Việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh khi thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp này đã vượt ngưỡng 50%.

Thông cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm về: Một là, hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh. Hai là, hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.

Theo Cục Cạnh tranh, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo trước cho cơ quan cạnh tranh, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Bộ Công Thương về thương vụ này sau khi được yêu cầu, Grab khẳng định việc kết hợp thị phần với Uber trên thị trường Việt Nam khiến tổng thị phần vẫn thấp hơn 30%. Do đó, Grab cho rằng mình không cần phải báo cáo với cơ quan chức năng về giao dịch.

Phía Grab cũng không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định về thị phần nêu trên. Mặc dù vậy, thương vụ này cũng hoàn tất và kể từ ngày 8/4. Hoạt động của Uber tại Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt và văn phòng Uber tại Việt Nam cũng đóng cửa.

"Theo dự thảo mới nhất cho Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Bộ GTVT, dịch vụ GrabCar (dịch vụ phổ biến nhất của Grab) sẽ được xếp vào nhóm quản lý như với taxi. 

Hiện, Cục Cạnh tranh đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày), đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh và mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm