Tại hội thảo Sắc Màu Chứng Khoán 2018 với chủ đề: “HOÀ NHỊP HAY LỠ NHỊP?" tổ chức mới đây, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng, cố vấn cấp cao của Hội Đồng Quản Trị BIDV, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Tiến sĩ Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Tài Chính) đã có những chia sẻ đáng chú ý về thị trường vốn Việt Nam.
"Chứng khoán thế giới năm vừa rồi tăng rất tốt, ví dụ chứng khoán của Mỹ trong năm 2017 cả Dow Jones và S&P 500 đều tăng khoảng 20-23%, đây là mức kỉ lục từ trước tới nay của chứng khoán Mỹ. Còn tại Châu Á Thái Bình Dương thì chúng ta tăng rất tốt, tới 48%, chỉ thua Mông Cổ có mức tăng 70%. Điều đó thể hiện kinh tế Việt Nam năm vừa rồi rất tốt".
Theo số liệu của Tiến sĩ Cấn Văn Lực thì dòng tiền thế giới chảy vào Việt Nam rất mạnh, cả trực tiếp và gián tiếp, dòng vốn ngoại chảy vào nước ta khoảng 1,8 tỷ USD, 1 tỷ USD mua cổ phiếu và 800 triệu USD mua trái phiếu. Ông cho biết đây là mức tăng rất mạnh của đầu tư nước ngoài vào nước ta.
Tuy nhiên, ông Lực nhận định rằng thị trường vốn đang thể hiện sự bất cân xứng. "Hơi buồn một chút là chúng ta vẫn phát triển trên cái kiềng ba chân khập khiễng. Kiềng ba chân là gì? chân Ngân Hàng, chân Cổ phiếu , chân Trái Phiếu, rất may năm vừa rồi thị trường cổ phiếu phát triển khá tích cực, đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ tín dụng so với GDP khoảng 136% và tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán khi cộng cả 3 sàn đâu đó thì được 70% GDP, trong khi cuối năm 2016 mới chỉ có 40% GDP", TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Còn thị trường trái phiếu 2017, theo TS Lực, là phát triển hết sức bình thường, dù trái phiếu chính phủ thanh khoản tốt lên nhưng lượng phát hành giảm đi vì năm vừa rồi cũng đã giải ngân đầu tư công chậm, giảm xuống 220 nghìn tỷ so với 230 nghìn tỷ năm 2016.
"Trái phiếu doanh nghiệp là một điểm buồn của Việt Nam năm vừa qua, quá bé, phát triển từ 2005 nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ đạt 1% GDP tức là chỉ có hơn 2 tỷ USD. Ta thấy chân cổ phiếu tăng khá là tốt, nhưng chân trái phiếu còn rất yếu, cho nên chính phủ cũng yêu cầu cần phát triển chân yếu đó, để làm sao năm 2020 trái phiếu doanh nghiệp có giá trị bằng 7% GDP. Tôi cho rằng đây là kế hoạch đầy tham vọng khi mà thị trường trái phiếu không có gì đột phá", ông Lực đánh giá.
Khi được hỏi về việc SCIC thoái vốn khỏi các tổng công ty nhà nước, ông Lực nhấn mạnh: "Vì sao SCIC thoái vốn khỏi doanh nghiệp lớn như vậy? Vì SCIC không muốn nắm giữ cổ phần chi phối ở doanh nghiệp mà tư nhân làm tốt hơn. Chúng tôi mong muốn nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu thêm nữa. Chính phủ vẫn muốn nắm giữ 65% cổ phần hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước, nhưng đến năm 2020 chúng tôi muốn tỷ lệ này giảm thêm nữa, có thể xuống chỉ còn 51%".
Tiến sĩ cho hay xu hướng thoái vốn nhà nước sẽ tiếp tục diễn ra vì có 23 doanh nghiệp đang "nợ" cổ phần hóa trong năm 2017, chuyển thời gian "lên sàn" sang năm 2018, cùng với đó là thêm 64 doanh nghiệp nhà nước tiếp tục cổ phần hóa trong năm nay. Vì vậy, lượng công ty ra thị trường khá nhiều đi cùng các doanh nghiệp lớn IPO ra công chúng, nên năm nay sẽ tiếp tục là câu chuyện của thoái vốn.
Theo Vietnamfinance