"Tiếng vỗ tay của doanh nghiệp và áp lực của công chức"

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 đã kết thúc với nhiều dư âm. Chắc hẳn cộng đồng doanh nghiệp sẽ không thể quên những cam kết, hành động mà họ đã hào hứng tặng những tràng pháo t

Mệnh lệnh người đứng đầu

Những tràng pháo tay kéo dài khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giơ cao Chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo vừa được ông ký trước đó vài chục phút.

“Sẽ không được thanh tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần”, Thủ tướng Chính phủ truyền mệnh lệnh tới các thành viên Chính phủ có mặt tại Hội nghị cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan.

Ông cũng nói, năm 2017 sẽ là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hàng loạt đầu việc cũng được người đứng đầu Chính phủ đặt ra ngay tại Hội nghị, trước cộng đồng doanh nghiệp.

Đó là Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước…

"Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước…Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp”, Thủ tướng giao việc.

Cũng phải nói thêm, 3 tiếng sau khi Hội nghị kết thúc, Thủ tướng đã ngồi với các bộ trưởng để bàn từng việc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành bám sát các vướng mắc mà doanh nghiệp nêu tại Hội nghị sáng 17/5 để có các biện pháp tháo gỡ, đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Chỉ thị cần làm rõ các biện pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo thuận lợi tiếp cận đất đai khi mà nhiều hộ làm nông nghiệp “rất bí bách” về vốn đầu tư; về chính sách đối với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hay việc giao một số dịch vụ công cho các hiệp hội…

Đặc biệt, nội dung mà người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh, đó là biện pháp đối với tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó cho doanh nghiệp.

“Chỉ thị này phải thể hiện được tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, lời nói đi đôi với việc làm”, Thủ tướng Chính phủ giao việc.

Niềm tin của người kinh doanh


 “Thủ tướng đã nói và ông đã làm. Đây thực sự là món quà làm ấm lòng cộng đồng doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ ngay sau Hội nghị. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ cách gọi này của ông Lộc.

Phải nói thêm, trước đó, ông Lộc đã phải dành khá nhiều thời gian của bài phát biểu đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 để kể chi tiết những nỗi khổ mà cộng đồng kinh doanh đã muốn VCCI tập hợp, gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

“Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức, trong đó có rất nhiều đoàn thanh tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm: thanh tra quản lý thị trường, y tế, đo lường là một thực tế phổ biến. Có khoảng 14% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016”, ông Lộc báo cáo với Thủ tướng.

Nhưng, ông Lộc nói, nhiều tâm sự của doanh nghiệp mà ông không đủ thời gian để chia sẻ tại Hội nghị, đành gửi trong báo cáo bằng văn bản.

"Thủ tướng Chính phủ đã cam kết, đã giao việc, tôi chờ đợi Văn phòng Chính phủ công bố chi tiết các nội dung này cùng đầu mối xử lý. Doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Chính phủ để giám sát việc thực hiện”. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.

Đó là nỗi sợ lớn nhất với sự thay đổi quy định và chính sách. Chỉ một cái nho nhỏ như đổi mã vùng bưu điện đợt vừa rồi khiến một doanh nghiệp thôi thiệt hại đến 7 tỷ đồng do phải in lại toàn bộ bao bì sản phẩm.

Hay như chuyện các doanh nghiệp gas đang kinh doanh bình thường, không vi phạm gì, thì Nghị định 19/2015 yêu cầu điều kiện kinh doanh phải có 100.000 bình gas, và phải xây dựng bồn chứa 300 mét khối, khiến gần 40 doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Rồi việc Luật Công chứng cũ cho phép các Văn phòng công chứng được đặt tên thoải mái. Nhưng Luật Công chứng 2015 yêu cầu các Văn phòng Công chứng phải được đặt tên theo tên công chứng viên. Thay vì chỉ áp dụng quy định này cho các Văn phòng Công chứng thành lập sau khi luật mới có hiệu lực, Luật lại hồi tố, yêu cầu những Văn phòng Công chứng đã thành lập trước đây cũng phải đổi tên theo đúng thể thức đặt tên của Luật mới mỗi khi có biến động về địa điểm hoặc công chứng viên.

“Quy định này dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Các Văn phòng công chứng đã thành lập thì đương nhiên không muốn đổi tên, nên cũng không dám đổi trụ sở. Biết được điều này, chủ nhà mới tăng giá thuê nhà. Lại có Văn phòng công chứng chấp nhận đổi tên mà khách hàng sụt giảm mạnh”, ông Lộc giải thích. Nhiều trường hợp thấy tên Văn phòng công chứng mới lạ hoắc, người ta còn nghi ngờ, Văn phòng công chứng lại mất thời gian giải thích là mới đổi tên.

“Nhưng, chúng tôi tin là các kiến nghị của doanh nghiệp đều có trên bàn của Thủ tướng”, ông Lộc nói.

Băn khoăn còn lại

Tuy nhiên, cũng không phải dễ có ngay được kết quả như Thủ tướng Chính phủ cũng như cộng đồng kinh doanh mong muốn.

Còn nhớ, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016, diễn ra vài ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức, các doanh nghiệp dệt may đã phải đăng đàn kêu cứu về chi phí liên quan đến kiểm tra formaldehyde, theo quy định của Thông tư 37/2015/TT-BCT.

 "Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay”.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Khi đó, ông Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã liệt kê tới cả trang các khoản chi cho mỗi lô hàng để chứng minh. Tổng cộng, với khoảng 6.000 công ty dệt may ở Việt Nam, ngành dệt may chi trả khoảng 135 triệu đô la mỗi năm cho quy trình kiểm tra chuyên ngành này. Chưa kể, thủ tục hải quan sẽ chậm trễ từ ba đến bảy ngày cho mỗi lô hàng.

Lời kêu ca này đã bắt đầu ngay từ khi xây dựng Thông tư này vào năm 2015 và suốt thời gian sau khi Thông tư được ban hành và có hiệu lực. Rất nhiều cơ quan đã cùng vào cuộc, đặc biệt là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm ngoái, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công thương xử lý.

Nhưng, phải đến tháng 10/2016, Bộ Công thương mới chấp nhận bãi bỏ Thông tư 37, loại bỏ các yêu cầu kiểm tra.

Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ thay đổi này. Bà Phạm Kiều Oanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC) nói bà “mừng rơi nước mắt” khi nghe tin này. “Từ giờ trở đi, May Nhà Bè sẽ không phải tiêu tốn 4.500 đô la mỗi tháng cho thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde nữa”, bà Oanh nói.

Tiếp tục tinh thần này, Bộ Công thương cũng đã lên kế hoạch để bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hoá 108 thủ tục hành chính khác (trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Bộ Công thương). Đã gần nửa năm sau thời điểm công bố kế hoạch trên, các doanh nghiệp vẫn đang chờ thêm thông tin chính thức được công bố.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG thì lại cho rằng, cũng không thể nóng vội, vì mọi thay đổi đều cần có thời gian.

“Thủ tướng Chính phủ đã cam kết, đã giao việc, tôi chờ đợi Văn phòng Chính phủ công bố chi tiết các nội dung này cùng đầu mối xử lý. Doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Chính phủ để giám sát việc thực hiện”, ông Thời cam kết.

Tất nhiên, đi cùng với đó, ông Thời cũng nói doanh nghiệp phải thay đổi rất lớn, theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và chấp nhận có thể đi chập hơn cách thức kinh doanh dựa vào quan hệ như hiện nay.

“Áp lực thay đổi sẽ đổ cả lên vai công chức nhà nước và cả doanh nghiệp”, ông Thời nói.

Khánh An

Có thể bạn quan tâm