Tiếp cận thị trường “dễ tính”: Cẩn trọng trước những rủi ro

Nhiều DN XK Việt Nam vẫn chủ quan khi giao dịch, làm việc với một số thị trường được cho là “dễ tính” như thị trường Trung Đông, châu Phi hay Ấn Độ, Trung Quốc…Song, khi hàng hóa và giao thương ngày c

Nhiều nguy cơ

Theo nhiều DN, châu Phi luôn được coi là thị trường "dễ tính", mặc dù giá trị sản phẩm mua vào rẻ hơn nhưng yêu cầu về chất lượng đều thấp hơn so với các thị trường truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cũng như rủi ro, đặc biệt là với DN lần đầu giao dịch.

Chia sẻ câu chuyện của mình, đại diện một DN chuyên XNK nông sản tại Hà Nội cho hay, cùng với Trung Quốc, DN lựa chọn thị trường các nước châu Phi như một điểm đến lý tưởng, bởi đây là những thị trường giàu tiềm năng, nhu cầu lớn nhưng lại không đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.

Nhưng ở các thị trường này, nền kinh tế chưa phát triển mạnh nên hệ thống ngân hàng nghèo nàn, chưa liên thông thanh toán quốc tế, đặc biệt là với các ngân hàng tại Việt Nam. Vì thế, lần đầu tiên giao dịch, khi DN này đã vận chuyển hàng cho đối tác xong nhưng đến hạn vẫn không thấy khách hàng thanh toán nốt phần tiền còn lại của hợp đồng. Nguyên nhân được tìm hiểu là do phía ngân hàng tại nước đó không chấp nhận thanh toán với ngân hàng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, vị này còn cho biết, hầu hết DN và đối tác tại một số nước châu Phi thường chọn phương thức thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, hoặc chỉ thanh toán sau khi đã nhận được toàn bộ hàng, vì thế, DN khi làm việc tại đây phải cử người sang tận nơi, trực tiếp giao dịch để đề phòng những rủi ro thương mại không đáng có. Cách làm này khiến DN mất thêm một khoản chi phí, nhưng bù lại sẽ khai thác hiệu quả hơn thị trường giàu tiềm năng này.

Ngoài châu Phi, các DN Việt Nam còn hướng đến thị trường khu vực Trung Đông (các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Quata, Ả Rập Saudi…) hay một số nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh. Điều này được thể hiện qua sản lượng, trị giá hàng XK tăng đều qua từng năm… Tuy vậy, đại diện Công ty Cổ phần chè Hà Thái cho biết, để một số thị trường mới như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… có văn hóa thưởng thức chè khác Việt Nam và Trung Quốc, vì thế, sản phẩm đòi hỏi quy trình sản xuất và hình thức sản phẩm riêng. Do đó, DN này không đủ chi phí để sản xuất và vận chuyển nên đang tạm ngừng giao thương.

Cùng với khó khăn trong sản xuất, thanh toán, giao dịch, DN Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng ép giá. Về vấn đề này, ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam cho rằng, năng lực sản xuất của các DN Việt Nam còn đang yếu nên khả năng cạnh tranh quốc tế kém, nhiều DN buộc phải lựa chọn những thị trường dễ tính. Tuy nhiên, tập quán buôn bán giữa các DN Việt Nam với các đối tác tại thị trường "dễ tính" còn rất yếu kém, tạo sơ hở để khách hàng lợi dụng dẫn đến hậu quả bị ép giá.

Không lệ thuộc

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra cảnh báo về việc XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Theo VASEP, Trung Quốc là thị trường NK nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam, nhưng thời gian qua, Trung Quốc đã tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Nhiều DN, thương lái Trung Quốc đặt hàng thu mua cá tra với cỡ lớn (hơn 1 kg/con) khiến nguồn cung tăng lên, nhưng sau đó lại đột ngột giảm mua, điều này đã góp phần tác động tiêu cực đến giá nguyên liệu. Hay mới đây nhất, Ấn Độ đột ngột ban lệnh ngừng NK một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, mặc dù lệnh này sau đó ít ngày đã được dỡ bỏ nhưng đã ít nhiều khiến DN Việt Nam lo lắng.

Trên thực tế, quy trình sản xuất của nhiều DN Việt Nam thuộc các ngành hàng vẫn còn nhỏ lẻ, không chú ý đến chất lượng mà chỉ chú ý đến phong trào, khách hàng ở đâu “dễ tính” thì làm với khách hàng như vậy. Vì thế, nhiều mặt hàng đang mất dần chỗ đứng trên thị trường XK giá trị gia tăng cao, để vô tình hoặc cố tình tăng cường tại các thị trường “dễ tính”, hệ quả là sẽ làm giảm uy tín cũng như chất lượng, giá trị XK hàng Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, DN hoạt động theo kiểu “tới đâu hay tới đó” như vậy mới chỉ tính tới “đầu ra” trong ngắn hạn, còn nguồn hàng và uy tín lâu dài sẽ rất bấp bênh, không ổn định.

Chính vì thế, bên cạnh việc tìm kiếm và tìm hiểu thông tin kỹ hơn về thị trường, đối tác kinh doanh, DN cần có những biện pháp để chủ động, nâng cao chất lượng, tránh lệ thuộc vào những thị trường "dễ tính", hướng tới những thị trường dù “khó tính” nhưng vừa đảm bảo an toàn hơn, vừa nâng cao giá trị mặt hàng XK.

Theo ông Trần Quốc Mạnh- Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, các DN cần cải thiện, nâng cao chiến lược marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Hiện chi phí xúc tiến thương mại của các DN trong nước vẫn còn thấp so với DN nhiều nước trong khu vực, điều này khiến hiệu quả trong hợp tác, sản xuất chưa cao. Do đó, trong thời gian tới, công tác này cần được hỗ trợ và đẩy mạnh để DN Việt Nam tiếp cận gần hơn thị trường thế giới, có những ứng phó cần thiết trong bất kỳ tình huống nào.

Theo baohaiquan.vn

Có thể bạn quan tâm