Tiếp tục đón nắng và gió vào lưới điện quốc gia

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc với mục tiêu đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp sớm phát điện lên lưới…
điện tái tạo

Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đăng tải công khai cũng như cập nhật thường xuyên thông tin tình hình thủ tục thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Điện tái tạo dần hòa vào lưới điện quốc gia

Nguồn điện năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng gió và mặt trời tại Việt Nam mặc dù đã có định hướng phát triển từ trước năm 2010 nhưng đa số các nhà đầu tư đã đăng ký đều từ bỏ dự án. Bởi, thời điểm đó chính sách về giá điện năng lượng tái tạo thấp, chi phí lại cao khiến các nhà đầu tư thấy có nhiều điểm bất lợi.

Mấy năm trở lại đây, nguồn năng lượng tái tạo đã thực sự phát triển kể từ khi Quy hoạch điện 7 điều chỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Cùng với đó là những chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hơn nữa, nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỷ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Số liệu từ EVN, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo tính đến thời điểm hiện nay chiếm khoảng trên 27% hệ thống điện, trong đó có khoảng gần 4.700 MW từ 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chưa có giá do hết cơ chế ưu đãi).

Trong đó bao gồm 77 nhà máy, phần nhà máy điện gió với tổng công suất 4185,4 MW và 8 nhà máy, phần nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 506,66 MW.

Sở dĩ các dự án điện tái tạo thời gian qua chưa được huy động "đúng quy trình" bởi rơi vào thời điểm chưa có cơ chế giá, cộng với các dự án còn thiếu nhiều thủ tục, hồ sơ (bỏ qua để chạy theo cơ chế giá FIT) theo quy định của pháp luật. Vì vậy mà các dự án chưa thể nghiệm thu, vận hành thương mại.

Điều đáng nói ở đây, trong các đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, các doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo đều muốn áp dụng cơ chế giá FIT với thời gian 20 năm và đề nghị đơn giản hóa các thủ tục và quy định. Việc này đưa bên mua điện là EVN vào thế khó. Trong khi đó, bản thân vấn đề điện gió, mặt trời cũng còn một số tồn tại cần xử lý do thời gian gấp rút.

Sau khi có văn bản hướng dẫn từ Bộ Công Thương, nhiều chủ đầu tư đã chia sẻ với những khó khăn của ngành điện nói chung. Điều đáng mừng, đến ngày 31/5/2023 đã có 59/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.389,811 MW đã gửi hồ sơ đàm phán đến EVN.

Đối với các dự án còn lại, phía EVN đã nhắc nhở, đôn đốc đối với 26 nhà máy với tổng công suất 1.346,35 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán với EVN, các nhà máy này chiếm 28,4% công suất.

Trong số các nhà máy đã gửi hồ sơ đàm phán có 52/59 nhà máy với tổng công suất 2.713,611 MW đã và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVNĐ. Trong số này có 44/48 nhà máy với tổng công suất 2.522,211 MW đã tiến hành thỏa thuận giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động.

Hết ngày 31/5/2023, Bộ Công Thương đã nhận được hồ sơ của 40/44 nhà máy tương đương tổng công suất là 2.368,711 MW đã được EVN và chủ đầu tư thống nhất giá tạm, Bộ Công Thương đã phê duyệt 40 nhà máy điện.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 1.314,82 MW, tương đương 20 nhà máy điện tái tạo hòa lưới điện, bao gồm các nhà máy đã hòa vào lưới điện quốc gia và tiến hành vận hành thương mại.

Điện năng lượng tái tạo thay thế điện nhập khẩu? 

Thời gian qua, nghị trường Quốc hội "nóng" câu hỏi nhập khẩu điện. Theo đó, các đại biểu đặt vấn đề: “Tại sao đi nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, trong khi nguồn năng lượng tái tạo trong nước chưa được sử dụng”.

Trả lời tại phiên thảo luận tổ Quốc hội chiều 25/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã từng hỏi Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên về vấn đề năng lượng tái tạo. Và ông Diên cho biết khó khăn là hệ thống truyền tải điện đã hết công suất.

Thêm vào đó, đối với các nhà máy điện mặt trời, thực tế từ các năm trước đã xuất hiện tình trạng đầy tải, quá tải. Ông Nguyễn Phùng Dũng, Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận cho biết: "Số lượng nhà máy năng lượng tái tạo nhiều đấu nối vào hệ thống lưới điện truyền tải do đơn vị quản lý qua các trạm 110, 220kV. Đáng chú ý, trên lưới điện truyền tải thường xuyên xảy ra tình trạng đầy tải, quá tải, điểm tiếp xúc phải kiểm soát đã gây áp lực rất lớn trong việc bảo đảm vận hành an toàn ổn định hệ thống".

Thêm vào đó, việc truyền tải điện từ vùng duyên hải Trung bộ - Tây Nguyên ra phía Bắc không phải là diều dễ dàng. Quy hoạch điện 8 mới được phê duyệt cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, sẽ phải cần từ 1,5 - 1,9 tỷ USD/năm để xây dựng đường dây 500kV tuyền tải Bắc - Nam. 

Đến nay EVN đang nỗ lực đàm phán để đưa dự án hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, trả lời Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thể hiện quan điểm: “Hầu hết chủ đầu tư các dự án nêu trên đã chạy đua với thời gian để hưởng giá FIT nên bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, thủ tục theo quy định của pháp luật, thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành. Do đó, cần phải có chủ trương của cấp có thẩm quyền và sự nỗ lực của chủ đầu tư để không lãng phí nhưng đồng thời cũng không bị xem là hợp thức hóa cái sai”.

Một lý do quan trọng khác, từ Quy hoạch điện 7, Chính phủ đã đồng ý việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc là một biện pháp lâu dài trong đảm bảo cung ứng điện.

Nguyên nhân là giá điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc rẻ hơn giá điện trong nước. Cụ thể, giá mua điện từ Trung Quốc là 6,5 cent/kWh, tức gần 1.540 đồng/kWh. Còn giá mua tại Lào là 6,9 cent/kWh, tức khoảng 1.632 đồng/kWh. Trong khi đó, theo số liệu từ EVN, giá mua điện bình quân 3 tháng đầu năm khoảng 1.845 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu điện từ Lào cũng tạo ra những cơ hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.

Ngoài ra, một thực tế ít ai để ý, đó là hệ thống truyền tải điện từ Trung Quốc và Lào có thể tận dụng được hệ thống truyền tải của nước bạn, đồng thời không gây quá tải lên hệ thống truyền tải hiện nay của nước ta.

Ví dụ như nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái với công suất 70MW, so với phụ tải của miền bắc là 20.000MV, tương đương chỉ chiếm 0.35%, một con số rất nhỏ.

Nhìn chung, điện năng lượng tái tạo dần hoà vào lưới điện quốc gia là điều tốt. Song việc thiếu điện ở miền Bắc vẫn chưa thể dứt sớm trong ngày một ngày hai, bởi hệ thống truyền tải cần thời gian xây dựng thêm và giá điện nhập khẩu vẫn đang rẻ. Do đó, hoạt động nhập khẩu điện của Việt Nam dự kiến tiếp tục kéo dài.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm