Tiếp tục không đưa điện vào diện bình ổn giá

Sau khi tiếp thu, giải trình dự án luật Giá sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua chiều 19/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không đưa mặt hàng điện vào diện bình ổn giá...
bình ổn giá

Lý giải nguyên nhân của việc không đưa mặt hàng điện vào việc bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về nguyên lý, định giá là biện pháp điều tiết với mức độ cao nhất của Nhà nước đối với giá hàng hóa, dịch vụ. 

Trong đó đã tính đến mục tiêu hài họa lợi ích giữa các bên, đảm bảo các mục tiêu về hạn chế vị thế độc quyền, đảm bảo đời sống người dân phù hợp với các bối cảnh kinh tế - xã hội. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định tại điều 30 luật Điện lực, việc xem xét định giá, điều chỉnh giá điện phải trên cơ sở các yếu tố chi phí, đồng thời phải xem xét đánh giá về mức độ điều chỉnh, thời gian điều chỉnh, bối cảnh điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo đời sống người dân, tạo động lực cho sản xuất phát triển.

Như vậy, khi thực hiện biện pháp định giá, Nhà nước đã tính đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó đã có cả mục tiêu ổn định giá cả phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, tại dự thảo luật Giá (sửa đổi) tiếp tục kế thừa luật hiện hành quy định mặt hàng điện thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và không quy định tại danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định mặt hàng này tại dự thảo luật.

Trước đó, góp ý tại phiên thảo luận Luật Giá (sửa đổi) chiều 23/5, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho rằng nên giữ nguyên điện trong danh mục bình ổn giá, tức Nhà nước phải chi tiền ra bù giá.

Nêu lên lý do, đại biểu Luận nói đây là hàng hóa dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế xã hội.

Theo đại biểu này, giá điện chỉ tăng mà không giảm, nhưng đợt tăng giá 3% đầu tháng 5 vẫn chưa đủ bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. "Nhà nước cần có biện pháp bình ổn giá mặt hàng này", ông nêu vấn đề.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nói Nhà nước cần bình ổn giá điện, không nên chuyển mặt hàng này sang danh mục hàng hóa dịch vụ định giá. "Hiện nay, 100% người dân phải dùng điện, tại sao không giữ mặt hàng này trong diện bình ổn, mà lại định giá", ông Hòa nêu quan điểm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh dù đồng USD leo thang, trong nước, vàng miếng SJC thêm nửa triệu đồng/lượng ở cả chiều mua - bán...