Tìm “cửa” giúp người trẻ sớm có nhà

Người trẻ cần nhà ở, nhưng các dự án nhà giá rẻ gần như vắng bóng, nếu không có giải pháp kịp thời, thế hệ trẻ có nguy cơ bị gạt khỏi thị trường bất động sản....

wvttbjjvxqhorrarlvwurxzlpzmxss-2240.jpg
Nhu cầu mua nhà của người trẻ rất lớn

Sở hữu một căn nhà là mục tiêu quan trọng đối với nhiều người trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá bất động sản ngày càng leo thang, thu nhập không theo kịp tốc độ tăng giá, giấc mơ an cư của thế hệ trẻ đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Theo dữ liệu của CBRE, tính đến cuối năm 2024, giá căn hộ mở bán mới ở Hà Nội đạt 72 triệu đồng/m2 và ở TP.HCM là 76 triệu đồng/m2. Ở thị trường thứ cấp tại 2 thành phố này giá căn hộ trung bình đạt 48 – 49 triệu đồng/m2.

Với mức giá trên, nhiều người trẻ rất khó tiếp cận để có thể sở hữu một căn nhà. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), riêng tại Hà nội, mức thu nhập tối thiểu được khuyến nghị để mua một ngôi nhà có giá trung bình cao hơn khoảng 2,3 - 10 lần so với thu nhập trung bình của hộ gia đình tại Hà Nội.

VẪN LÀ TĂNG CUNG

Bài toán cung – cầu vẫn là lý do lớn khiến người trẻ khó khăn trong việc mua nhà, tại toạ đàm "Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, thị trường đang chứng kiến tình trạng giá nhà tăng phi mã do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu lớn. Hiện nay, số lượng nhà ở xã hội tại TP.HCM chỉ vào khoảng 6.000 căn, quá ít so với nhu cầu thực tế.

Theo ông Châu, TP.HCM và Hà Nội cần đẩy mạnh gia tăng nguồn cung. Nếu đề án xây dựng 1 triệu căn nhà của Chính phủ được triển khai thành công, đây sẽ là một yếu tố quan trọng giúp cân bằng thị trường.

Thực tế, năm 2024, Sở Xây dựng TP.HCM chỉ chấp thuận cho chủ đầu tư mở bán hơn 1.600 căn hộ hình thành trong tương lai, trong khi số lượng này đang giảm dần qua các năm.

Từ năm 2021 đến nay, TP.HCM không có thêm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền. Một số dự án hiện tại là những dự án đã hình thành từ trước, và nhà đầu tư đang tối ưu hóa lợi nhuận từ các dự án này.

Ông Châu mong muốn Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị quyết, nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, như đã thực hiện trong thời gian qua.

“Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án đang bị đình trệ; nếu được khơi thông, sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở đáng kể, tạo điều kiện để người trẻ và người có nhu cầu thực tiếp cận nhà ở”, Chủ tịch HoREA phân tích.

Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng, sự cần thiết của việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở.

anh-man-hinh-2025-01-08-luc-101328.png

Ở góc độ là nhà quản lý, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, để người trẻ sớm có nhà cần đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi, rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được triển khai. Hiện Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập quỹ Nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững.

Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người trẻ. Trong thời gian qua và sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đoàn công tác nhằm đôn đốc việc triển khai các dự án tại địa phương.

Riêng đối với nhóm lao động trẻ tại các đô thị, đây là đối tượng cần được ưu tiên. Họ thường gặp khó khăn do tay nghề còn hạn chế, thu nhập thấp và thời gian tích lũy chưa nhiều, khiến việc mua nhà theo cơ chế thị trường gặp nhiều trở ngại.

“Tuy nhiên, lao động trẻ cũng có lợi thế về khả năng phát triển nghề nghiệp và gia tăng thu nhập trong tương lai. Do đó, việc hỗ trợ nhóm này không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn góp phần giải quyết bài toán nhà ở một cách lâu dài và bền vững”, ông Dũng thông tin.

ƯU ĐÃI LÃI SUẤT THẤP, THỜI GIAN DÀI

Cùng bàn luận vấn đề người trẻ mua nhà, TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, muốn người trẻ sở hữu nhà cần có chính sách ưu đãi riêng về nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi, tương tự như chính sách ưu đãi với nhà ở xã hội hiện nay.

Trước đây, đã từng có các dự án nhà ở xã hội được xây dựng thành công nhờ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và thời hạn vay dài. Tuy nhiên, hiện nay gói vay này đã ngừng triển khai. Trong khi đó, rất nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ, vẫn đang gặp khó khăn do lãi suất cao và thời gian vay ngắn.

“Nếu có một gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh tài chính cho người trẻ trong hành trình sở hữu ngôi nhà đầu tiên”.

truong-anh-tuan-01.png
TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Tuấn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM xem xét khôi phục hoặc thiết kế lại gói vay tương tự, tiếp tục hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu, hoặc cả những người mua thứ cấp trong các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện.

Còn ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực II cũng bày tỏ, các ngân hàng thương mại hiện đang tích cực triển khai những gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho người trẻ: lãi suất thấp, thời hạn vay dài, giúp người trẻ từng bước tiếp cận và sở hữu căn nhà đầu tiên.

“Nếu có thể phát triển mạnh mẽ phân khúc nhà ở thương mại giá phù hợp, xét ở góc độ tín dụng, điều này sẽ góp phần mở rộng dư nợ tín dụng một cách hiệu quả và bền vững. Đồng thời, người trẻ có cơ hội ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lệnh phân tích.

Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói vay có lãi suất ưu đãi cho người trẻ mua nhà lần đầu với tổng giá trị các gói lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, sau chỉ đạo của Chính phủ.

Song, các mức lãi suất ưu đãi xung quanh 3 - 5% chỉ áp dụng trong ngắn hạn, khoảng từ 3 - 6 tháng. Sau khi hết ưu đãi, lãi suất thả nổi thực tế ở mức cao hơn, dao động từ 11 - 14% mỗi năm hoặc cao hơn tùy theo tình hình kinh tế. Còn nếu muốn cố định lãi suất trong thời gian dài hơn, mức lãi suất thực tế ban đầu áp dụng khoảng 8 - 9% mỗi năm.

Nếu vay 2,5 tỷ đồng dù chọn theo phương thức nào thì trong 20 năm, người mua nhà đều phải chi trả số tiền trung bình khoảng từ 27 - 30 triệu đồng mỗi tháng. Đây là con số không hề nhỏ đối với mỗi người trẻ.

Với giá nhà như hiện nay, theo chuyên gia của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính toán dựa trên nguyên tắc chi phí cho nhà ở không quá 30% thu nhập, thì mỗi tháng mỗi cá nhân hoặc hộ gia đình nói trên phải “kiếm” được 90 triệu để đảm bảo cân bằng tài chính. Trong khi thực tế, rất ít người trẻ đạt được mức thu nhập có thể được coi là mơ ước nói trên.

cho-vay-mua-bds.jpg
Nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói vay có lãi suất ưu đãi cho người trẻ mua nhà lần đầu

Bên cạnh đó, việc vay mua nhà khi tài chính chưa ổn định có thể đẩy nhiều người trẻ vào vòng xoáy nợ nần kéo dài. Rất nhiều trường hợp sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất tăng khiến khoản tiền phải trả hàng tháng vượt quá khả năng chi trả, hoặc biến động kinh tế làm giảm thu nhập, đã buộc người vay phải bán nhà để trả nợ.

Hơn nữa, việc dành phần lớn thu nhập để trả nợ ngân hàng sẽ khiến người trẻ gặp khó khăn trong chi tiêu hàng ngày, đầu tư cho bản thân hay lập kế hoạch tài chính dài hạn. Không ít người rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính, mất cân bằng cuộc sống vì áp lực trả nợ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm