Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều ngày 4/5, ôngMai Tiến Dũng- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 không tăng mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước hai tại 14 tỉnh, thành phố. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn 4,2% của quý I.
Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%, cùng kỳ chỉ 3%. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (tăng 15,4%, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản). Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh (đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%). Thu ngân sách Nhà nước tăng khá, đạt 32,7% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng tới tháng 3/2017 theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng trước là 2,81%, cao hơn hẳn so với tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm 2016 (1,54%). Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng từ 2,81% lên 4,86%.
Theo báo cáo mới đây của NHNN, tính tới ngày 21/4, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,8%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,8-6,0%/năm./.
>> Quý 1/2017, BIDV lãi 1.848 tỷ đồng, nợ xấu vượt hơn 16,2 nghìn tỷ