Tín dụng ngân hàng có chảy ngược vào chứng khoán?

Thị trường chứng khoán khởi sắc, tín dụng tăng trưởng nóng trở lại khiến một số chuyên gia lo ngại, cảnh báo “dòng vốn ngân hàng có chảy ngược vào chứng khoán?”.
Tín dụng ngân hàng có chảy ngược vào chứng khoán?

Trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) khởi sắc, bứt phá mạnh mẽ khi chỉ số VN-Index tăng một mạch từ 700 điểm lên mốc 780 điểm vào đầu tháng 7. Đây là mức cao nhất trong vòng 9 năm qua của VN-Index, tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017. Chỉ số HNX-Index tăng hơn 23%. Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. 

Đáng chú ý, tháng 8/2017 tới, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ chính thức vận hành, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn hơn và góp phần thúc đẩy thanh khoản cho toàn thị trường.

Đánh giá TTCK tăng trưởng tích cực, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại LMC cho rằng, dòng vốn đã đổ mạnh vào thị trường trong 6 tháng đầu năm 2017 và dự báo sẽ còn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Các phiên giao dịch trong tháng 6 và 7 đạt giá trị hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên, có phiên giao dịch tới hơn 6.000 tỷ đồng khiến cho tâm lý nhà đầu tư hưng phấn, mạnh dạn giải ngân.

Đáng chú ý, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục tới 9.000 tỷ đồng trong 6 tháng qua cho thấy đánh giá tích cực của nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam. “Các quỹ ngoại, nhà đầu tư ngoại rất nhanh nhạy và luôn săn tìm những miếng bánh ngon màu mỡ từ các thị trường chứng khoán tiềm năng tăng trưởng cao còn sót lại như Việt Nam”, ông Chánh nhấn mạnh.

TTCK sẽ tăng trưởng lạc quan hơn khi hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, DNNN lớn sẽ tăng thêm sức hấp dẫn dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam. Lãi suất ngân hàng giảm sâu giúp cho dòng tiền dịch chuyển tìm kiếm những kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn hơn. 

Một vấn đề cần chú ý, theo TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo ngân hàng BIDV là quy mô tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tăng trưởng quá nhanh, chiếm hơn 54% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Nhưng vốn đầu tư không hiệu quả nên tín dụng sẽ không tác động nhiều tới tăng trưởng GDP. Mối quan hệ giữa tín dụng và tăng trưởng kinh tế đã được kiểm nghiệm rất lâu, song ở Việt Nam lại không có mối quan hệ chặt chẽ. Cụ thể, tín dụng tăng 10% thì GDP sẽ tăng thêm 5%. Bởi vấn đề là hiệu quả và quản trị rủi ro. Tín dụng là quan trọng song không quá quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng GDP hiện nay bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố...

“Với mức tín dụng tăng trưởng trên 18% tôi thấy cũng bắt đầu nóng rồi. Điều này có thể nhìn thấy từ 3 yếu tố chính, gồm: quy mô tín dụng tăng quá nhanh, mức tăng trưởng GDP trong khoảng 6,5% và phấn đấu lên 7% được đánh giá là khả thi; thị trường chứng khoán khởi sắc hơn hút mạnh dòng tiền”, ông Lực lo ngại.

Ông Lực cũng đặt ra câu hỏi “tín dụng ngân hàng có chảy ngược lại chứng khoán không?”. Thực tế, sự tăng trưởng của ngân hàng và chứng khoán có mối quan hệ khá chặt chẽ, song hiện được siết chặt kiểm soát. Tuy vậy, có lo ngại các ngân hàng đang cho vay margin với các công ty chứng khoán lớn và đây thực sự là rủi ro lớn, cần tiết giảm và liên quan tới quản trị rủi ro hệ thống.

Ở góc độ chi phí vốn, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cứ tiếp tục phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. “Tôi không lạc quan khi cả nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng. Chi phí tài chính vay ngân hàng chiếm khoảng 10%, nếu doanh nghiệp tiết kiệm được khoản này thì hiệu quả kinh doanh sẽ cải thiện tốt hơn. Vậy vì sao doanh nghiệp không đẩy mạnh huy động vốn để có nguồn vốn ổn định, lâu dài với chi phí thấp hơn vay ngân hàng?”. Hơn nữa, khi doanh nghiệp chủ động vốn thì sẽ giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Mặc dù TTCK tăng điểm khá cao trong thời gian qua, song tốc độ tăng trưởng GPD hiện vẫn còn thấp, chưa đạt được kỳ vọng. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư KHCN (Công ty chứng khoán SSI), yếu tố hỗ trợ nhất cho TTCK Việt Nam năm 2016-2017 chính là lãi suất thấp, kéo dòng tiền gửi từ ngân hàng dịch chuyển sang các kênh đầu tư sinh lời cao hơn. Khi thị trường chứng khoán hơi ấm lên và nóng dần thì dòng tiền này sẽ vào mạnh hơn.

“Liều thuốc kích thích nhất hút dòng tiền từ dân cư chính là đánh vào lòng tham và TTCK là “liều thuốc” hiệu quả, bởi chứng khoán trở thành là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Từ đó, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng dòng vốn lớn hơn để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Linh nhấn mạnh.

>> TS Nguyễn Trí Hiếu: Hãy thận trọng khi thị trường chứng khoán khởi sắc

Có thể bạn quan tâm