Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 700 triệu USD dự trữ ngoại hối, tỷ giá có thể "hạ sốt" trong quý 2?

Tỷ giá USD trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của Ngân hàng Nhà nước. Bộ phận phân tích dữ liệu của WiGroup cho rằng, tỷ giá USD trong nước tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý 2...

Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 700 triệu USD dự trữ ngoại hối, tỷ giá có thể "hạ sốt" trong quý 2?

Trong phiên giao dịch ngày 6/5, giá mua – bán đồng USD trong các ngân hàng thương mại tăng nhẹ so với phiên trước. Cụ thể, tỷ giá USD tại Vietcombank tăng 10 đồng ở chiều mua vào và với các giao dịch chuyển khoản, lần lượt là 25.127 – 25.157 USD/VND.

VietinBank tiếp tục tăng mạnh tăng tới 64 đồng ở chiều mua vào và giao dịch chuyển khoản, giao dịch tại 25.164 USD/VND. Còn ngân hàng BIDV niêm yết giá mua - bán USD đứng ở mức 25.157 – 25.457 USD/VND, tăng nhẹ 4 đồng chiều mua và chiều bán ra so với phiên trước đó.

Tại Techcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 25.177 – 25.453 USD/VND, giảm 5 đồng chiều mua và giữ giá chiều bán chiều bán ra so với phiên trước đó. Eximbank niêm yết giá mua - bán USD giao dịch ở mức 25.110 – 25.453 USD/VND, đi ngang cả chiều mua và chiều bán ra so với phiên trước đó.

Trên thị trường tự do, tỷ giá tăng 45 đồng chiều mua vào và tăng 20 đồng chiều bán ra, giao dịch tại 25.710 – 25.790 USD/VND.

Mới đây, Công ty Cổ phần WiGroup vừa công bố Báo cáo vĩ mô tiền tệ tháng 5/2024. Theo số liệu từ báo cáo, tính đến ngày 3/5, tỷ giá USD trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước công bố bán ngoại tệ giao ngay với mức giá bán can thiệp là 25.450 USD/VND, thấp hơn 27 đồng so với mức tỷ giá bán ở mức trần đang được giao dịch bởi một số ngân hàng. Với việc bán ngoại tệ giao ngay, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng quản lý kỳ vọng mất giá tiền đồng xoay quanh ngưỡng 25.500 USD/VND.

"Theo thông tin từ các kênh của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD (trên tổng số gần 90 tỷ USD – tính đến năm 2023)", WiGroup ước tính.

Đồng thời, đội ngũ phân tích dữ liệu của WiGroup cho rằng, tỷ giá USD trong nước tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý 2/2024. Lý giải cho quan điểm trên, WiGroup cho rằng xuất phát từ 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024, nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng. Việc giảm nhịp độ thắt chặt có thể được xem là một động thái nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ. Thứ hai là nguồn thu ngoại tệ từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng cao. Cuối cùng là việc Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN, hướng tới tỷ giá VND – USD trong giao dịch kỳ hạn,….

Về lãi suất, dữ liệu cho thấy trong tháng 4, lãi suất huy động tại các nhóm ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại lớn và ngân hàng thương mại khác có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước đó.

Tuy vậy, mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm này tiếp tục duy trì ở mức thấp, điều này cho thấy rằng thanh khoản hệ thống vẫn ở mức dồi dào.

Trên cơ sở đó, WiGroup dự báo cho rằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024.

Trên thị trường liên ngân hàng, biến động thanh khoản ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng linh hoạt hai công cụ trên thị trường OMO. Hoạt động mua kỳ hạn (7 ngày) nhằm đáp ứng thanh khoản ngắn hạn và mang định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời tín phiếu (kỳ hạn 28 ngày) được phối hợp sử dụng với khối lượng gọi thầu trước đó dần đáo hạn.

Tính đến ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước đang duy trì trạng thái bơm ròng gần 62.000 tỷ nhằm đưa lãi suất liên ngân hàng về vùng mục tiêu mong muốn. Lãi suất qua đêm đang ở mức 4,36%, nằm ở vùng cao khi tính từ đầu năm trở lại đây. Mức lãi suất qua đêm cao nhất đạt ở mức 4,95% vào ngày 17/4.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tháng 4/2024 vừa công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đưa ra đánh giá tỷ giá đã ổn định sau hàng loạt các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới; đẩy lãi suất liên ngân hàng nhằm hạn chế các hoạt động (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ), đồng thời bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm.

"Nỗ lực mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước đã phần nào giải tỏa tâm lý thị trường, nhu cầu USD giảm nhẹ theo mùa vụ đã giúp tỷ giá ổn định trong tuần cuối của tháng 4. Tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 USD/VND trong quý 2 năm nay nhờ sự ổn định của môi trường vĩ mô, là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm nay", nhóm chuyên gia từ MBS cho biết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Một số ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng cuối năm 2024. Trong đó, Sacombank ước tính mang về 12.700 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Các ngân hàng quốc doanh và TPBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản và tín dụng…

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...