Khảo sát biểu lãi suất tại website các ngân hàng thương mại trong tháng 5/2024 cho thấy, phạm vi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng hiện dao động quanh mức 1,9 – 3,5%/năm với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ. Trong tháng này, phần lớn các ngân hàng vẫn huy động lãi suất về mức dưới 3%/năm.
Theo ghi nhận, 3,5%/năm đang là mức lãi suất huy động cao nhất tại kỳ hạn 3 tháng, được triển khai tại ngân hàng NCB đối với hình thức Tiết kiệm An Phú. Trường hợp khách hàng gửi tiền tại quầy, mức lãi suất thấp hơn 0,1 điểm phần trăm, còn 3,4%/năm. Tương tự, 3,5%/năm cũng là mức lãi suất ngân hàng MSB ấn định cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, hình thức gửi tiền online. Nếu khách hàng có nhu cầu gửi tiền tại quầy sẽ được hưởng mức lãi suất chỉ còn 3%/năm.
Thấp hơn một chút, 2 ngân hàng VietBank và Nam A Bank đang triển khai mức lãi suất 3,4%/năm cho kỳ hạn này. Tuy nhiên, mức lãi suất trên chỉ áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến. Nếu khách hàng gửi tiền tại quầy sẽ được hưởng mức lãi suất giảm 0,1 điểm phần trăm, về mức 3,3%/năm.
Trong tháng này, 3,2%/năm là mức lãi suất phổ biến tại kỳ hạn 3 tháng được triển khai tại các ngân hàng như: CBBank, OCB, Oceanbank, Sacombank, BVBank và Viet A Bank.
Thấp hơn 0,05 điểm phần trăm là mức lãi suất tiết kiệm 3,15%/năm được áp dụng tại ngân hàng Bac A Bank và PVcomBank. Trong khi đó, ngân hàng TPBank huy động lãi suất ở mức 3,1%/năm cho kỳ hạn 3 tháng.
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn tiếp tục duy trì mức lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 3 tháng trong khoảng 2,5%/năm - 3%/năm.
Cụ thể, các ngân hàng KienlongBank, ABBank, SHB và DongA Bank đang ấn định lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 3%/năm. Cùng kỳ hạn gửi tiền, ngân hàng SeABank và ACB lại triển khai mức lãi suất 2,9%/năm. Song song với đó, ngân hàng VIB ấn định lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng ở mức 2,8%/năm.
Thậm chí, một số ngân hàng vẫn triển khai lãi suất huy động về mức dưới 2,8%/năm như: LPBank (2,7%/năm), MBBank (2,5%/năm), SCB (1,9%/năm)…
Tương tự tháng trước, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tại ngân hàng VPBank vẫn được chia ra thành 5 hạn mức tiền gửi. Với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất được niêm yết ở mức 2,9%/năm; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng vẫn là 2,9%/năm; từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng là 3%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên là 3,1%/năm. So với tháng trước, mức lãi suất này được điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm.
Ở biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank với thời hạn 3 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được lãi suất là 2,3%/năm, khách hàng Priority và khách hàng Private nhận được mức lãi suất lần lượt là 2,4%/năm và 2,45%/năm, duy trì ổn định trong lần cập nhật mới nhất.
So sánh riêng lãi suất huy động tại kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh gồm Vietinbank và BIDV cho thấy, các ngân hàng này duy trì ổn định lãi suất ở mức 2%/năm trong tháng này.
Trong khi đó, lãi suất tại ngân hàng Agribank và Vietcombank thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với 2 ngân hàng trên, ở mức 1,9%/năm. Theo ghi nhận, đây cũng là mức lãi suất tiền gửi thấp nhất tại kỳ hạn 3 tháng trong các ngân hàng thương mại được khảo sát.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng được khảo sát vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, phần lớn ngân hàng đều duy trì khung lãi suất ổn định, thậm chí điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,1 – 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước đó.
Nhận định về xu hướng lãi suất huy động, nhiều chuyên gia hay thậm chí lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, đã thoát đáy nhưng chưa thể bật tăng mạnh.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô Khối Phân tích chứng khoán VNDirect cho rằng, trong những tháng đầu năm, nhu cầu tín dụng còn yếu nên chưa gây áp lực lên nền lãi suất huy động và cho vay. Song đến hiện tại, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy, tuy nhiên sẽ chưa tăng mạnh trở lại ngay, ít nhất là trong quý tới, do kinh tế mới phục hồi và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều. Kịch bản xấu nhất, theo ông Hưng, lãi suất sẽ tăng 1%/năm, còn bình thường chỉ 0,3 - 0,5%/năm.
Ông Hưng chia sẻ thêm về câu chuyện thị trường: “Giữa kỳ hạn dưới 6 tháng và trên 6 tháng mức độ chênh lệch khoảng 2%/năm. Ngân hàng luôn thả nổi lãi suất và 3 tháng 1 lần điều chỉnh nhưng 12 tháng lại hoàn toàn cố định. Huy động tiền gửi kỳ hạn dài thường các ngân hàng phải bù rất nhiều. Hiện TPBank vẫn đang phải trả lãi suất 12 tháng của người gửi tiền từ tháng 5/2023 với lãi suất khoảng 8%/năm”.