Tín hiệu tích cực từ việc sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA

Dù nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng triệt để chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA, nhưng đánh giá một cách tổng thể cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Tận dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA tốt, xuất khẩu sang EU tăng

Thông tin về những vấn đề liên quan đến tình hình sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), tại tọa đàm: “Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA”, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương chia sẻ: Hiện mức độ các lô hàng xuất khẩu EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU. Có thể nói, đây là một con số được nhìn nhận khá tích cực.

Liên quan đến thị trường, bà Hiền cho biết hàng xuất khẩu sang EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của Châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp...

Trong khi đó, những mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản...

Những con số cụ thể liên quan đến các mặt hàng, các thị trường có thể thấy rất rõ nét, ví dụ như C/O xuất khẩu đi thị trường Đức đã được cấp 3,2 tỷ đô la Mỹ trong hai năm đầu thực hiện EVFTA, cấp đi Bỉ là 3,5 tỷ.

Ví dụ, đối với mặt hàng da giày thì số liệu của mặt hàng da giày là 8,9 tỷ cấp trong vòng hai năm kể từ khi thực hiện EVFTA.

Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA là 18,7 tỷ trong hai năm đầu thực hiện EVFTA.

Theo bà Hiền, để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ EVFTA, hàng hóa đó bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ và có chứng từ chứng nhận xuất xứ.

Giấy chứng nhận xuất xứ là một trong những chứng từ đó, nhưng ngoài giấy chứng nhận xuất xứ thì còn có các chứng từ tự chứng nhận xuất xứ. Trong trường hợp nếu như hàng hóa không có chứng từ chứng nhận xuất xứ xuất khẩu đi EU trong khuôn khổ EVFTA thì thuế quan ưu đãi của Hiệp định cũng sẽ bị vô hiệu hóa.

Đối với con số 20% tỉ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp C/O, chúng tôi đánh giá đây là một con số thể hiện EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng, bà Hiền nói.

Vẫn theo bà Hiền, con số 20% kim ngạch hàng hóa được cấp C/O không có nghĩa là 80% kim ngạch còn lại đang phải chịu thuế cao.

Bởi vì có những dòng thuế trong WTO đã bằng 0 rồi, không cần phải có giấy chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác là hưởng ưu đãi thuế quan theo Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tín hiệu tích cực từ việc sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA
Tín hiệu tích cực từ việc sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo EVFTA

Đặc biệt là việc doanh nghiệp còn tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng mà có kim ngạch trị giá từ 6.000 euro trở xuống.

Cho nên con số 20% không nói hết lên việc hàng hóa của chúng ta đang được hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường EU. Chúng ta còn phải tính đến GSP, còn phải tính đến tự chứng nhận xuất xứ và tính đến cả những lô hàng mà không cần có giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi thì đã được hưởng thuế 0% rồi.

Một ý nữa được bà Hiền chia sẻ, là con số 20% chỉ là con số chung về tỷ lệ kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA và tỷ lệ này nó sẽ khác nhau rất nhiều ở từng thị trường cụ thể hoặc từng mặt hàng cụ thể.

Bà Hiền lấy ví dụ như hàng xuất khẩu sang thị trường Luxembourg, tỷ lệ này là 77%, sang thị trường Bỉ tỷ lệ này khoảng 50%. Đối với từng mặt hàng cụ thể thì ví dụ như mặt hàng da giày tỷ lệ trên 90% và đối với mặt hăng thủy sản là trên 77%.

Như vậy chúng ta đang thấy, nếu như nhìn vào tỉ lệ thì sẽ rất khác nhau ở các thị trường và các mặt hàng. Còn con số 20% được đánh giá là con số mà hiện nay đang thể hiện sự phát huy thực chất của một hiệp định được kỳ vọng và thực tế thì con số 20% này cũng ngang bằng với tỷ lệ của những hiệp định mà đã được thực thi từ trước EVFTA rất lâu rồi thì mới đạt được 20%, bà Hiền khẳng định.

Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp

Tuy đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi thực hiện xuất khẩu sang EU.

Và để có thể gia tăng tỷ lệ về xuất xứ đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU, bà Hiền cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay Cục Xuất nhập khẩu đang thực hiện các biện pháp đồng bộ và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

Thời gian qua, Cục xuất nhập khẩu tiếp tục công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, minh bạch liên quan đến vấn đề này. Trong đó, những chế tài xử phạt cũng đang rất được chú trọng.

Hiện nay Cục xuất nhập khẩu đang nỗ lực và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan cũng như Tổng cục Hải quan và Hiệp hội ngành hàng để có những cuộc tập huấn, đào tạo kịp thời, vừa uốn nắn và vừa hướng dẫn để làm sao đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU.

Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục phối hợp và chủ động phối hợp với cơ quan Hải quan của nước nhập khẩu để trong trường hợp nếu như có đề nghị xác minh xuất xứ thì chúng tôi sẽ đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh hàng hóa có xuất xứ trong trường hợp đúng là hàng hóa đó đáp ứng theo quy định của EVFTA.

Trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng xuất xứ, chúng tôi sẽ cùng với EU tìm hiểu và có những biện pháp kịp thời nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Một biện pháp nữa là hiện nay Cục đang rất tích cực phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham vấn và đề xuất đưa ra được quy tắc xuất xứ phù hợp với thực tế của doanh nghiệp, cũng như quy trình sản xuất hiện nay tại Việt Nam.

Đặc biệt, chúng tôi đang đấy đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong đó có việc tiếp nhận và xử lý các vướng mắc cũng như giải đáp và tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu đi EU liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm