2 năm thực thi EVFTA (bài cuối): Cần nhanh chóng tận dụng và duy trì lợi thế!

Trong tương lai các quốc gia cùng khu vực cũng sẽ tiếp cận Hiệp định thương mại (FTA) với thị trường EU, do đó Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng và duy trì lợi thế từ EVFTA.

Thách thức chồng chất, khó khăn bủa vây

Hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ hàm lượng nội khối nhất định. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ dịch chuyển vào Việt Nam để tận dụng lợi thế từ EVFTA, tạo áp lực cạnh tranh không hề dễ dàng.

Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng và duy trì lợi thế từ EVFTA
Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng và duy trì lợi thế từ EVFTA

Tiếp nữa là khó đáp ứng được các rào cản kỹ thuật thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Bởi EU là thị trường khó tính, khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.

Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, dán nhãn, lao động... của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản từ EU.

Các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa từ EU cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Về vấn đề này, doanh nghiệp dệt may khó đáp ứng các quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi. Do công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may còn hạn chế, Việt Nam lại chủ yếu nhập khẩu linh kiện ngoài khối, nên không tận dụng được nhiều ưu đãi từ EVFTA.

Trong khi đó, các ngành nông sản, thực phẩm thiếu cơ sở chiếu xạ, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của EU trước khi xuất khẩu.

Đặc biệt, khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa.

Những công ty lớn ở châu Âu sẽ dễ khống chế thị trường Việt Nam. Các tiêu chuẩn sản xuất tương đối cao liên quan đến các chỉ số môi trường và địa lý, cũng như các tiêu chuẩn quá cao về quyền con người và quyền lao động sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam một cách toàn diện.

Đây là thách thức lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các Hiệp định thương mại (FTA).

Ngược lại, đây cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Cuối cùng, khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

Hàng hóa Việt Nam sẽ phải vượt qua những kỹ thuật cao (về y tế, về môi trường, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) trước khi được các nước trong EU nhập khẩu. EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.

Các nước EU đều có trình độ kinh tế và trình độ quản lý hàng hóa cao. Tham gia EVFTA, Việt Nam chấp nhận cuộc chơi với xuất phát điểm kém hơn. Do đó, mọi thách thức sẽ lớn hơn.

Trong tương lai các quốc gia cùng khu vực cũng sẽ tiếp cận FTA với khu vực EU
Trong tương lai các quốc gia cùng khu vực cũng sẽ tiếp cận FTA với khu vực EU

Không đổi mới, doanh nghiệp sẽ thua lỗ hoặc phá sản

Với độ mở kinh tế cao nhưng năng lực hội nhập, cạnh tranh của Việt Nam chỉ ở mức trung bình. Điều đó chứng tỏ độ sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, của các cơ quan quản lý vẫn còn thấp. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn sức ì lớn trong việc chuẩn bị đón bắt những lợi thế từ EVFTA.

Hiện các đối thủ của Việt Nam trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia... chưa có FTA với EU. Nhưng trong tương lai các quốc gia cũng sẽ tiếp cận FTA với thị trường EU. Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU.

Trong khi EVFTA có lộ trình cắt giảm thuế quan rất ngắn, nhiều mặt hàng có cơ hội vào thị trường EU tốt với thuế suất bằng 0%. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng và duy trì lợi thế này càng sớm càng tốt.

Để làm được điều đó, chúng ta cần nhanh chóng đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh được với hàng hoá của EU trên thị trường nội địa Việt Nam. Nếu không doanh nghiệp sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.

Tăng cường hơn nữa năng lực, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành máy móc hiện đại, thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ EU và các quốc gia khác.

Tăng cường về trình độ học thuật, kỹ năng làm kinh tế, ngoại ngữ sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa EU với doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, để thu hút dòng vốn từ các doanh nghiệp EU, Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, từ đó có các chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư.

Để hạn chế tăng nhập khẩu từ một quốc gia, EU quy định khá nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu và thường áp dụng rào cản kỹ thuật như đã sử dụng "thẻ vàng" đối với hàng thủy sản của Việt Nam, luật chống bán phá giá…. Đối với sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh, EU đòi hỏi đối tác cắt giảm hàng rào phi thuế quan, loại bỏ phương thức thức trợ giá của Chính phủ.

Vì thế, Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc quy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi. Việt Nam cần theo dõi cập nhật thông tin về thị trường EU để ứng phó kịp thời khi EU áp dụng các biện pháp trên nếu không. sẽ chịu thiệt hại lớn.

Việc thực thi EVFTA không chỉ tạo lợi thế, lợi ích bổ sung cơ cấu kinh tế mà còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam. Vì vậy, để tận dụng EVFTA có hiệu quả, cần tiếp tục cải cách thể chế, thực thi thể chế.

Các vấn đề về chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động như tiền lương, bảo hiểm xã hội, chống cưỡng bức lao động, làm thêm giờ... là những vấn đề Việt Nam đang tiến hành nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư từ EU khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn của EU đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc lại về quản trị, công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, vệ sinh, kỹ thuật, phát triển bền vững... Cơ hội đang mở ra, nhưng rủi ro cũng rất lớn, cần có các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thương mại thế giới đang thay đổi.

Hội nhập là không chỉ tuân thủ hiệp định mà còn vận dụng có lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp có thể vươn lên tận dụng lợi thế, ưu đãi thuế quan và khả năng thâm nhập thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm
Doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm

Song song đó, cần nâng cao tiềm lực và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng trong từng sản phẩm được hình thành tại các cụm công nghiệp chuyên ngành để tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật- xã hội, tiết kiệm chi phí logistics, hạ thấp giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường đầy tiềm năng và khó tính như EU.

Tập trung xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ một số sản phẩm chủ lực nhằm giúp Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao của thế giới, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thay lời kết

EU là tập hợp 27 quốc gia ở khu vực châu Âu với dân số hơn 740 triệu người, tổng GDP khoảng 16,7 nghìn tỷ USD (2021), là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc).

Tham gia EVFTA giúp Việt Nam có được nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức, buộc Việt Nam phải tiến hành cải cách.

Những cuộc cải cách của Việt Nam sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền tảng kinh tế giúp bộ máy chính trị vận hành hiệu quả và minh bạch hơn.

Nhờ hiệu ứng tích cực từ EVFTA, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU chắc chắn sẽ chuyển đổi theo hướng lợi ích, chất lượng hơn. Hợp tác sẽ trở nên rộng mở và toàn diện hơn.

Bởi trước EU, Việt Nam đã mở cửa khá rộng theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho những đối tác có thế mạnh cạnh tranh tương tự EU.

Do đó, các doanh nghiệp và nền kinh tế đã có kinh nghiệm ở mức độ đáng kể để đối mặt với các thách thức từ EVFTA. Dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU năm 2022 sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2021, do các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tận dụng tốt những ưu đãi từ EVFTA.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình - ThS. Vũ Nhật Quang
Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

Xem thêm

Thành lập nhóm tư vấn trong nước theo quy định trong EVFTA

Thành lập nhóm tư vấn trong nước theo quy định trong EVFTA

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BCT thành lập Nhóm tư vấn trong nước (Domestic Advisory Group - DAG) Việt Nam theo quy định tại Điều 13.15 Chương Thương mại và Phát triển bền vững trong EVFTA.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...