Tin vui cho bất động sản, Thủ tướng yêu cầu họp khẩn về sửa đổi, bổ sung Thông tư 06

Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với các cơ quan liên quan để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tin vui cho bất động sản, Thủ tướng yêu cầu họp khẩn về sửa đổi, bổ sung Thông tư 06

Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi hỏa tốc Công văn số 746/TTg-KTTH về việc "Các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp" tới Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nội dung công văn cho biết, qua phản ánh của các chủ thể chịu tác động và các cơ quan báo chí, các chuyên gia; để tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo: Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả cuộc họp tới Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2023.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư số 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Thông tư được ban hành với mục đích kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng, trong đó có điều chỉnh một số hoạt động cho vay liên quan đến ngành bất động sản và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.

Nhưng suốt thời gian qua, rất nhiều băn khoăn, lo lắng của doanh nghiệp về việc Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tạo ra rào cản khiến bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn, bởi tại Thông tư này bổ sung 4 trường hợp khách hàng không được vay tín dụng từ ngân hàng.

Cụ thể 4 trường hợp như sau: Không được vay để gửi tiền; Không được vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM; Không được vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay; Không được vay để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng một số điều kiện đi kèm.

Thêm vào đó, Thông tư 06 cũng đang khiến các doanh nghiệp bất động sản bối rối, không biết hiểu như thế nào cho đúng đó là quy định: Không cho vay để thanh toán tiền góp vốn với các dự án "không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" vì từ đây sẽ có 2 cách hiểu: Một là dự án không đủ điều kiện pháp lý, hai là dự án không đủ điều kiện mở bán.

Cũng liên quan đến cấp tín dụng, mới đây, trong thông báo kết luận tại cuộc họp về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi, phân tách các nhóm giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến vay vốn, tăng tín dụng.

Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt, kịp thời công cụ chính sách tiền tệ. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng nỗ lực hơn nữa tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước thành lập ngay tổ công tác làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để tổng hợp, xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, việc cạnh tranh không lành mạnh trong huy động và cấp tín dụng, nhất là liên quan sở hữu chéo, lợi ích nhóm doanh nghiệp, cá nhân; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm.

Trường hợp phát hiện các quy định không phù hợp thì theo thẩm quyền chủ động sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm