Tính chu kỳ kiểm định bằng km: Một đề xuất... khó

Giới chuyên gia cho rằng quy định chu kỳ kiểm định bằng km (kilomet) sử dụng là không khả thi, còn Bộ Giao thông vận tải từng nói “không” với đề xuất này...
chu kỳ kiểm định bằng km

Mới đây, văn phòng Chính phủ phát đi thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số kilomet (km) sử dụng.

Chuyên gia đề nghị nghiên cứu kỹ

Yêu cầu này của Phó Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh trong thời gian qua đang diễn ra tình trạng quá tải ở các đơn vị kiểm định, do đó đây có thể xem là một biện pháp giải quyết nhu cầu kiểm định.

Hiện tại, chu kỳ đăng kiểm được tính theo số tháng hoạt động của phương tiện, xe kinh doanh vận tải có chu kỳ kiểm định ngắn hơn xe gia đình. Và quả thực việc tính hao mòn phương tiện theo số km xe đã vận hành có thể chính xác hơn so với tính theo thời gian sử dụng.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Đào Mạnh Hùng, chủ nhiệm khoa Cơ khí ô tô, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, việc tính chu kỳ đăng kiểm bằng km là không nên.

Cụ thể, TS Đào Mạnh Hùng cho rằng, vòng tua kiểm soát số km hiển thị trên ô tô là có thể tua lại để gian lận, nhờ đó giãn thời gian kiểm định. Tại Việt Nam, hành vi tua công tơ mét này chỉ đánh giá là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nên chỉ bị phạt hành chính.

Thêm vào đó, PGS, TS Đào Mạnh Hùng cũng cho biết, các xe chạy dịch vụ thường đi nhiều, nên kiểm định bằng km có thể hợp lý, nhưng đối với các xe gia đình -  nhất là các gia đình ít di chuyển, thì xe vẫn xuống cấp theo thời gian.

Thực tế, sự hao mòn, hư hỏng của một chiếc ô tô thường được xác định theo 2 chỉ tiêu: Số km xe chạy (tức là cường độ mài mòn của các chi tiết) và sự hao mòn có tính chất vô hình (tự hao mòn theo thời gian, ở 1 số chi tiết như dầu nhớt, lốp). Do đó, xe ít đi cũng có thể xuống cấp, hỏng hóc ở một số bộ phận, vẫn tồn tại nguy cơ mất an toàn giao thông là hiện hữu.

Đồng quan điểm, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng việc tính chu kỳ kiểm định dựa trên km có thể chính xác nhưng không khả thi.

Bởi lẽ, ông Tạo cũng băn khoăn về tính chính xác của số km trên xe, khi đồng hồ đo km gắn trên xe không đủ tính trung thực, thiết bị dễ dàng bị can thiệp như thay đồng hồ, tua số km.

"Thậm chí, ngay cả xe kinh doanh vận tải đã được lắp giám sát hành trình cũng có thể bị các chủ phương tiện can thiệp, thay đổi số liệu", ông Tạo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến từ người dân cho rằng nên kết hợp cả 2 trường hợp kiểm định nhưng chia ra rõ ràng. Cụ thể, sẽ giới hạn theo số km và thời hạn, song điều kiện nào đến trước thì phương tiện sẽ phải đi kiểm định theo trường hợp đó.

Bộ Giao thông vận tải đã rõ ràng quan điểm

Còn nhớ vào hồi cuối năm 2021, trong công văn 12002/BGTVT-KHCN gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bắc Kạn gửi đến sau Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV, Bộ Giao thông vận tải đã bác đề xuất kiểm định ô tô theo km.

Theo văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cho biết ô tô là sản phẩm công nghiệp phức tạp, có kỹ thuật, công nghệ cao, được sản xuất, lắp ráp từ nhiều chi tiết, cụm chi tiết, hệ thống, tổng thành và được cấu thành từ nhiều loại nguyên liệu, vật liệu có tính chất lý tính và hóa tính khác nhau.

Do đó, “kể cả khi phương tiện không được sử dụng, vận hành thì các chi tiết, hệ thống, tổng thành cũng suy giảm chất lượng theo thời gian”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ trong văn bản trả lời.

Số liệu tổng hợp của Tổ chức đăng kiểm ô tô Quốc tế (CITA) cho thấy, nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đều quy định thời hạn kiểm định của xe ô tô theo thời gian sử dụng với chu kỳ khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử dụng như xe cá nhân hay xe kinh doanh, số lượng hành khách chuyên chở đối với xe chở khách, tải trọng cho phép chuyên chở đối với xe tải.

Vì vậy, việc quy định thời hạn kiểm định phương tiện theo thời gian sử dụng như hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế, được dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và thuận tiện cho công tác quản lý. Mặt khác, nếu quy định chu kỳ kiểm định xe ô tô theo số km xe chạy sẽ phát sinh một số khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, giám sát chất lượng phương tiện tham gia giao thông.

Hiện tại, khi được Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Đăng kiểm nghiên cứu kỹ đề xuất kiểm định bằng km đối với phương tiện ô tô.

Còn về phía lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan này thông tin, đã và đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trước khi có báo cáo cuối cùng. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đưa ra lưu ý, các nước trên thế giới hiện chỉ áp dụng cách tính số km vận hành trong bảo hành, bảo dưỡng phương tiện mà không áp dụng trong chu kỳ kiểm định.

“Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước theo từng thời kỳ”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Theo quy định mới tại Thông tư 02/2023 được Bộ Giao thông vận tải ban hành vào ngày 22/3, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe cá nhân, xe gia đình) có chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định, và chu kỳ kiểm định là 36 tháng; với xe có thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ đăng kiểm là 24 tháng; Xe có thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng.

Với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ thì chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định kéo dài thời gian kiểm định lần đầu lên 24 tháng; xe có thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ là 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.

Có thể bạn quan tâm