Toàn cảnh bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 qua các con số

ktxh-thang-6-nam-2024-9041.jpg

Kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Vượt qua những thách thức, khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được dấu hiệu tăng trưởng tích cực. GDP quý 2 năm 2024 tăng trưởng với tốc độ ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm 2023; tốc độ tăng trưởng công nghiệp ước đạt 8,55% so với cùng kỳ... là những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024.

TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI

GDP (tổng sản phẩm trong nước) quý 2 năm 2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của cùng kỳ năm 2022.

gdp-cua-viet-nam-6-thang-dau-nam-2024-1970.jpg

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%; khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%.

Lũy kế GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022. Trong mức tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; khu vực dịch vụ chiếm 43,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66% (tương ứng của cùng kỳ là 11,64%; 36,46%; 43,10%; 8,80%).

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,89%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,95%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

Giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh, thành phố... là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

chi-so-cpi-cua-viet-nam-thang-6-nam-2024-2494.jpg

CPI bình quân của quý 2 năm 2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Giáo dục tăng 8,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,63%; hàng hóa và dịch khác là 6,13%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,62%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,48%; giao thông tăng 4,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,61%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,1%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,66%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,31%. Riêng bưu chính, viễn thông giảm 1,36%.

Bên cạnh đó, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI của 6 tháng đầu năm 2024 là: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,41% so với cùng kỳ năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

Lạm phát cơ bản trong tháng tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ

Đây là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại diễn ra tương đối sôi động.

tong-muc-ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-trong-thang-6-nam-2024-5654.jpg

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6/2024 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023 do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng. Trong quý 2 năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

tong-muc-ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-trong-6-thang-dau-nam-2024-6027.jpg

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ tăng 8,8%).

HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP

Trong tháng, cả nước có 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 143 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 85,6 nghìn lao động, tăng 19,1% về số doanh nghiệp, tăng 53,4% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng 13,1% về số doanh nghiệp, tăng 3,1% về số vốn đăng ký và giảm 17,6% về số lao động.

tinh-hinh-thanh-lap-doanh-nghiep-trong-6-thang-dau-nam-2024-9672.jpg

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,1 tỷ đồng, tăng 28,9% so với tháng trước và giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 7,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,6% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 512 nghìn lao động, tăng 6,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký và tăng 0,4% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu tính cả 792,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 23,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 là 1.537,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 39,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 lên gần 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

CÁN CÂN XUẤT - NHẬP KHẨU

cac-thi-truong-xuat-khau-nhap-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-trong-6-thang-dau-nam-2024-9421.jpg

Cũng trong tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,24 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Về xuất khẩu:

kinh-ngach-xuat-khau-mot-so-mat-hang-6-thang-dau-nam-2024-5762.jpg

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,33 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,76 tỷ USD, tăng 2,1%. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước tính tăng 10,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,3%.

Trong quý 2 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,6% so với quý I của năm 2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).

Về nhập khẩu:

kim-ngach-nhap-khau-mot-so-mat-hang-6-thang-dau-nam-2024-6812.jpg

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 30,15 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,95 tỷ USD, giảm 8,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,20 tỷ USD, giảm 7,2%. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng tăng 13,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,8%.

Trong quý 2 năm 2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 9,7% so với quý I của năm 2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 50,2%).

CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Sản xuất công nghiệp của quý 2 tăng trưởng tích cực hơn quý 1 năm 2024.

chi-so-san-xuat-cong-nghiep-cua-viet-nam-trong-6-thang-dau-nam-2024-8045.jpg

Tốc độ giá trị tăng thêm ước đạt 8,55% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,54% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%.

mot-so-san-pham-cong-nghiep-tang-cao-trong-6-thang-dau-nam-2024-5751.jpg

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1 tăng 6,47%; quý 2 tăng 8,55%). Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% (quý 1 tăng 7,21%; quý 2 tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

mot-so-san-pham-cong-nghiep-giam-trong-6-thang-dau-nam-2024-1883.jpg

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện và ngành khai khoáng tăng thấp hoặc giảm.

THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách Nhà nước giảm 0,1%, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Thu ngân sách Nhà nước

thu-ngan-sach-nha-nuoc-6-thang-dau-nam-2024-1013.jpg

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 6 năm 2024 ước đạt 105,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể một số khoản thu chính như sau:

- Thu nội địa tháng 6 năm 2024 đạt 83,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 857 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái;

- Thu từ dầu thô tháng 6 năm 2024 đạt 5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán năm và giảm 4,8%;

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 6 năm 2024 đạt 17 nghìn tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán năm và tăng 6,9%.

Chi ngân sách Nhà nước

chi-ngan-sach-nha-nuoc-6-thang-dau-nam-2024-1589.jpg

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 6 năm 2024 ước đạt 151,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán năm và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Chi thường xuyên đạt 551 nghìn tỷ đồng, bằng 43,7% và tăng 2,5%; chi đầu tư phát triển 196,7 nghìn tỷ đồng, bằng 29% và giảm 8,8%; chi trả nợ lãi 55,5 nghìn tỷ đồng, bằng 49,7% và tăng 8,4%.

VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ HÀNG HÓA

Hoạt động vận tải trong tháng diễn ra khá sôi động nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong mùa cao điểm du lịch và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Vận tải hành khách tháng 6 năm 2024 ước đạt 375,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 3,4% so với tháng trước và luân chuyển 22 tỷ lượt khách/km, tăng 4,3%; quý 2 năm 2024 ước đạt 1.112,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023 và luân chuyển đạt 64,7 tỷ lượt khách/km, tăng 9,3%.

tinh-hinh-van-tai-hang-hoa-trong-6-thang-dau-nam-2024-8094.jpg

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 2.312,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 17,9%) và luân chuyển đạt 132,5 tỷ lượt khách/km, tăng 11,0% (cùng kỳ tăng 33,5%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 2.303,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023 và 103,6 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 4,7%; vận tải ngoài nước ước đạt 8,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 28,1% và 28,9 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 41,3%.

Bên cạnh đó, vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 219,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,6% so với tháng trước và luân chuyển 43,0 tỷ tấn/km, tăng 1,1%; quý 2 năm 2024 ước đạt 642,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2023 và luân chuyển 127,5 tỷ tấn/km, tăng 11,0%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 1.263,0 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 16,3%) và luân chuyển 254,8 tỷ tấn/km, tăng 10,3% (cùng kỳ tăng 14,1%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.239,8 triệu tấn vận chuyển, tăng 13,7% và 154,9 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 6,4%; vận tải ngoài nước ước đạt 23,2 triệu tấn vận chuyển, tăng 6,2% và 99,9 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 17,0%.

KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM

Do chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh từ đó thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.

khach-quoc-te-den-viet-nam-trong-6-thang-dau-nam-2024-phan-theo-phuong-tien-den-9200.jpg

Trong tháng, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19).

khach-quoc-te-den-viet-nam-6-thang-dau-nam-2024-phan-theo-vi-tri-dia-ly-5667.jpg

Trong tổng số 8,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 7,4 triệu lượt người, chiếm 83,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2023; bằng đường bộ đạt gần 1,3 triệu lượt người, chiếm 14,3% và tăng 99,0%; bằng đường biển đạt 164,9 nghìn lượt người, chiếm 1,9% và tăng 199,5%.

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng là 470,6 nghìn lượt người, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 2,6 triệu lượt người, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

VỐN FDI ĐĂNG KÝ CẤP MỚI

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 2 năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 834,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023 bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 228,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 456,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 149,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4%.

quoc-gia-va-vung-lanh-tho-co-du-an-duoc-cap-phep-moi-tai-viet-nam-trong-6-thang-dau-nam-2024-5552.jpg

Ước tính 6 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 392,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 799,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,1% và tăng 6,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 259,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,9% và tăng 10,3%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,8% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ bằng 32,2% và tăng 22,5%). Theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 41,9 nghìn tỷ đồng, bằng 37,8% kế hoạch năm và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn địa phương đạt 202,5 nghìn tỷ đồng, bằng 33,1% và tăng 4,9%. Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 136 nghìn tỷ đồng, bằng 31,3% và tăng 4,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 57,1 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% và tăng 6,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, bằng 45,1% và tăng 7,8%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,01 tỷ USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1,18 tỷ USD, chiếm 12,4%; Trung Quốc 1,01 tỷ USD, chiếm 10,6%; Nhật Bản 979 triệu USD, chiếm 10,3%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 7,7%; Đài Loan 529,8 triệu USD, chiếm 5,6%.

dia-phuong-thu-hut-von-fdi-dang-ky-cap-moi-trong-6-thang-dau-nam-2024-2554.jpg

7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hưng Yên và Thái Nguyên.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân cuối cùng trong năm 2024, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA nhiều lần nhấn mạnh những tác động tích cực của hai “cuộc cách mạng” hứa hẹn tạo bước đột phá đối với sự phát triển của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp…

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

Chuyến công tác và những thỏa thuận hợp tác với VACOD-HBA được đối tác Nga, đặc biệt là chính quyền thành phố Saint Petersburg hết sức coi trọng. Những hoạt động của đoàn tại Nga đã gây được ấn tượng sâu đậm với các đối tác Nga...