Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 1/2024 qua các con số

ktxh-3-thang-dau-nam-2024-8801.jpg

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, nền kinh tế - xã hội Việt Nam ở quý 1/2024 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% (cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020 - 2023) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.

gdp-cua-viet-nam-3-thang-dau-nam-2024-8030.jpg

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Về sử dụng GDP quý 1 năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 56,77% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 4,69%, đóng góp 24,07%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,08%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 19,16%.

chi-so-cpi-cua-viet-nam-thang-3-nam-2024-4387.jpg

Do nhu cầu tiêu dùng của người dân sau dịp Tết Nguyên đán đã quay trở lại trạng thái bình thường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2024 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 3/2024 ước đạt 509,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 16%; may mặc tăng 10,1%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,8%; du lịch lữ hành tăng 66,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

tong-muc-ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-trong-3-thang-dau-nam-2024-9020.jpg

Tính chung quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1 năm 2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý 1 năm 2023 tăng 10,1%).

Trong tháng 3/2024, cả nước có 14,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 113,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 104,4 nghìn lao động, tăng 64,3% về số doanh nghiệp, tăng 68,7% về vốn đăng ký và tăng 105,2% về số lao động so với tháng 2/2024.

So với cùng kỳ năm 2023, giảm 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 22,1% về số vốn đăng ký và tăng 12,7% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 43,4% so với tháng trước và giảm 52% so với cùng kỳ năm 2023.

tinh-hinh-thanh-lap-doanh-nghiep-trong-3-thang-dau-nam-2024-6864.jpg

Tính chung quý 1 năm 2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 258,8 nghìn lao động, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký và tăng 21,9% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 392,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của hơn 9,7 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2024 là 724,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý 1 năm 2024 lên gần 59,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong tháng, có 4.139 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 19,6% so với tháng trước và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2023; 4.980 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 131,3% và tăng 44,3%; có 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 6,2% so với tháng 02/2024 và tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung quý 1 năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý 1 năm 2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

cac-thi-truong-xuat-khau-nhap-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-trong-3-thang-dau-nam-2024-482.jpg

Trong tháng 3/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung quý 1 năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Về xuất khẩu:

kinh-ngach-xuat-khau-mot-so-mat-hang-3-thang-dau-nam-2024-1189.jpg

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 34,01 tỷ USD, tăng 37,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,54 tỷ USD, tăng 51,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,47 tỷ USD, tăng 33%. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng 14,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 21,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,7%.

Tính chung quý 1 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD, tăng 26,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,9%.

Về nhập khẩu:

kim-ngach-nhap-khau-mot-so-mat-hang-3-thang-dau-nam-2024-4008.jpg

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,83 tỷ USD, tăng 36,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,25 tỷ USD, tăng 31,6%. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng tăng 9,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,7%.

Tính chung quý 1 năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,28 tỷ USD, tăng 13,6%.

Trong 3 tháng đầu năm 2024 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 40,3%).

chi-so-san-xuat-cong-nghiep-cua-viet-nam-trong-3-thang-dau-nam-2024-4863.jpg

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1 năm 2024 ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023.

mot-so-san-pham-cong-nghiep-tang-cao-trong-3-thang-dau-nam-2024-4239.jpg

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84%, làm giảm 0,20 điểm phần trăm.

mot-so-san-pham-cong-nghiep-giam-trong-3-thang-dau-nam-2024-8966.jpg

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1 năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Thu ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2024 ước tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Thu ngân sách Nhà nước:

thu-ngan-sach-nha-nuoc-3-thang-dau-nam-2024-1964.jpg

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 3/2024 ước đạt 141,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2024 đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán năm và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số khoản thu chính như sau:

- Thu nội địa tháng 3/2024 ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế quý 1 năm 2024 đạt 467,5 nghìn tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Thu từ dầu thô tháng 3/2024 ước đạt 6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế quý 1 năm 2024 đạt 15,8 nghìn tỷ đồng, bằng 34,4% dự toán năm và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023.

- Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 3/2024 ước đạt 21,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế quý 1 năm 2024 đạt 56,2 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán năm và giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi ngân sách Nhà nước:

chi-ngan-sach-nha-nuoc-3-thang-dau-nam-2024-6079.jpg

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 3/2024 ước đạt 140,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế quý 1 năm 2024 ước đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán năm và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi thường xuyên quý 1 năm 2024 đạt 271 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% dự toán năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái; chi đầu tư phát triển đạt 89,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,3% và tăng 22,8%; chi trả nợ lãi 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29,1% và tăng 16,6%.

Hoạt động vận tải trong tháng giảm về sản lượng vận tải hành khách so với tháng trước do nhu cầu đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng vận tải hàng hóa vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng.

tinh-hinh-van-tai-hang-hoa-trong-3-thang-dau-nam-2024-3841.jpg

Vận tải hành khách tháng 3/2024 ước đạt 398,1 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 3,8% so với tháng trước và luân chuyển 21,7 tỷ lượt khách/km, giảm 6,9%. Tính chung quý 1 năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 1.199,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 27,7%) và luân chuyển đạt 66,6 tỷ lượt khách/km, tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 57%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.195,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023 và 52,7 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 5,7%; vận tải ngoài nước ước đạt 4,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 27,9% và 13,9 tỷ lượt khách/km luân chuyển, tăng 35%.

Xét theo ngành vận tải, hầu hết các ngành đường trong quý 1 năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, riêng hàng không giảm về sản lượng vận chuyển nhưng tăng về luân chuyển so với cùng kỳ năm ngoái.

Vận tải hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 208,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,1% so với tháng trước và luân chuyển 41,4 tỷ tấn/km, tăng 0,8%. Tính chung quý 1 năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 620,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 16%) và luân chuyển 129,2 tỷ tấn/km, tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 20,7%). Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 608,6 triệu tấn vận chuyển, tăng 13,1% và 79,6 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 9,6%; vận tải ngoài nước ước đạt 11,5 triệu tấn vận chuyển, tăng 7,8% và 49,6 tỷ tấn/km luân chuyển, tăng 13,8%.

khach-quoc-te-den-viet-nam-3-thang-dau-nam-2024-phan-theo-vi-tri-dia-ly-6431.jpg

Nhờ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp kinh doanh du lịch nên số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3/2024 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tổng số hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam quý 1 năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 3,9 triệu lượt người, chiếm 83,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2023; bằng đường bộ đạt 625,3 nghìn lượt người, chiếm 13,5% và gấp 2,6 lần; bằng đường biển đạt 136,7 nghìn lượt người, chiếm 2,9% và gấp 4,1 lần.

khach-quoc-te-den-viet-nam-trong-3-thang-dau-nam-2024-phan-theo-phuong-tien-den-8841.jpg

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 3/2024 là 537,4 nghìn lượt người, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1 năm 2024 theo giá hiện hành tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023 đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực. Mức tăng này sẽ tạo đà tiếp tục bứt phá cho các quý tiếp theo, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1 năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực ngoài Nhà nước đạt 340,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5%, tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 110,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% và tăng 8,9%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý 1 năm 2024 ước đạt 97,7 nghìn tỷ đồng, bằng 13,9% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 (quý 1/2023 bằng 12,9% và tăng 21,6%). Theo cấp quản lý, vốn trung ương đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2% kế hoạch năm và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn địa phương đạt 82 nghìn tỷ đồng, bằng 13,8% và tăng 6,4%.

Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 54,8 nghìn tỷ đồng, bằng 13% và tăng 5,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 23,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,6% và tăng 8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, bằng 17,2% và tăng 5%.

quoc-gia-va-vung-lanh-tho-co-du-an-duoc-cap-phep-moi-tai-viet-nam-trong-3-thang-dau-nam-2024-1402.jpg

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của quý 1 trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,61 tỷ USD, chiếm 78% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 460,4 triệu USD, chiếm 9,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 197,5 triệu USD, chiếm 4,3%.

Cũng trong quý 1 này, có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam: Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 6,7 triệu USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư; New Zealand 5,9 triệu USD, chiếm 20,3%; Đức 5,4 triệu USD, chiếm 18,6%; Lào đạt 4,2 triệu USD, chiếm 14,6%; Singapore 1,8 triệu USD, chiếm 6,1%.

dia-phuong-thu-hut-von-fdi-dang-ky-cap-moi-trong-3-thang-dau-nam-2024-7297.jpg

7 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đăng ký cấp mới là Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…